Đồ hình Thìn nam Tuất bắc phân chéo sử dụng để tính lai lộ

Nguyên văn

Trên đây là hai mươi tư phương vị âm dương, đông tây. Đông tây chia thành quẻ dương, quẻ âm. Quẻ dương quẻ âm ở đây là âm dương sinh ra từ Lưỡng Nghi chứ không phải là đông tây theo Du Niên Ca. Bốn quẻ Tốn, Ly, Khôn, Đoài thuộc âm, mỗi quẻ quản ba sơn. Bởi vậy, mười hai sơn từ Thìn đến Tân là thuộc âm nằm về phía nam vạch chéo phân giới, mười hai sơn từ Tuất đến Ất gồm bốn quẻ dương: Càn, Khảm, Cấn, Chấn nên thuộc dương nằm ở phía bắc vạch phân giới. Dương là vạch liền, âm là vạch đứt, một phòng một vạch, sáu hào ghép thành quẻ mà định ra sự cát hung của đông tây.

Phàm là chuyện chuyển nhà, đổi bếp đều có lai lộ tức đi ra ngoài, thuê nhà, tạm trú, thăng quan nhiệm chức, con gái gả chồng đi về nhà mẹ đẻ dù trăm ngàn dặm hay chỉ vẻn vẹn vài thước đều có hướng đi đến gọi là lai lộ.

Như nhà cũ ở phía tây đường phố sau dọn đến phía đông đường phố ở tức là mệnh Chấn đó là lai lộ Đông Tứ Trạch, người Đông Tứ Mệnh dọn đến ở sẽ cát, người Tây Tứ Mệnh dọn đến ở sẽ hung gọi là lai lộ vô căn (lai lộ không có gốc), ở nhà đó sau một tháng sẽ tổn hao tài lộc, sau một trăm ngày sẽ sinh bệnh tật, thị phi, sau nửa năm sẽ mất con, phá sản. Nếu người Tây Tứ Mệnh chuyển nhà đến bốn phương vị Tây lại là cát, ở một tháng sẽ phát tài nhỏ, sau một năm sẽ phát tài lớn lại được sống thọ. Nhưng nếu người Đông Tứ Mệnh chuyển đến nhà ở Tây Tứ Trạch sẽ là hung.

Khi chuyển bếp cũng theo nguyên tắc tương tự như vậy. Nếu lai lộ không tốt cũng có thể áp dụng phương pháp ăn nhờ bếp khác trong 49 ngày, chọn lấy phương vị lai lộ tốt. Tác động cát hung của lai lộ không phân biệt xa gần, lâu dài hay tạm thời, cho dù chuyển ngay sang nhà kế bên hay một thước một trượng cũng có ứng nghiệm. Đó chính là nguồn gốc của hoạ phúc nên khi xem nhà không thể không thận trọng.

Giải thích

Đồ hình “Thìn nam Tuất bắc phân chéo” trên đây đã chia hai mươi tư sơn thành hai nửa bằng một đường vạch chéo tạo thành phương dương đông bắc và phương âm tây nam dùng hai sơn Tuất, Thìn làm phân giới, mỗi nửa gồm mười hai sơn:

  • Phương dương gồm Thìn, Tốn, Tỵ, Bính, Ngọ, Đinh, Mùi, Khôn, Thân, Canh, Dậu, Tân.
  • Phương âm gồm: Tuất, Càn, Hợi, Nhâm, Tý, Quý, Sửu, Cấn, Dần, Giáp, Mão, Ất.

Cách phân chia âm – dương như vậy là căn cứ vào Bát Quái:

  • Tốn, Ly, Khôn, Đoài là bốn quẻ âm trong đó Khôn là quẻ thuần âm cai quản Tốn, Ly, Đoài.
  • Càn, Khảm, Cấn, Chấn là bốn quẻ dương, Càn là quẻ thuần dương cai quản Khảm, Cấn, Chấn.

Mỗi quẻ ba sơn nên có mười hai sơn thuộc dương và mười hai sơn thuộc âm. Vạch chéo phân đôi hai nửa âm dương gọi là “vạch âm dương đông tây”. Đưa các khái niệm âm – dương này vào Bát Quái có thể quy nạp thành hai phương đông, tây tức đã hợp nhất với trạch mệnh Đông – Tây. Đó là nền tảng lý luận để xác lập nên khái niệm “lai lộ”. Lai lộ tức chỉ hướng di chuyển hoặc xuất hành. Ví dụ như chuyển nhà từ mé tây sang mé đông tức từ phương Đoài chuyển sang phương Chấn đó là lai lộ Đông Tứ Trạch. Lai lộ không phân biệt khoảng cách gần xa, chỉ cần có sự dịch chuyển dù rất ngắn cũng đã động chạm đến vấn đề về phương vị nên trạch mệnh đều phải tính toán lại.

Lai lộ được tính căn cứ vào vị trí của nhà cũ. Khi chuyển nhà cần phải xác định rõ hướng di chuyển xem có cát lợi hay không. Trước tiên, cần dùng la bàn để xác định rõ đông tây, âm dương sau đó căn cứ vào niên mệnh để phối quẻ xem chọn hướng nào sẽ cát lợi. Người thuộc Tây Tứ Mệnh nên chuyển nhà về hướng tây của nhà cũ. Người thuộc Đông Tứ Mệnh nên chuyển nhà về hướng đông của nhà cũ. Nếu ngược lại sẽ không cát lợi, thậm chí còn có thể gặp nhiều vận hạn như trong phần chính văn đã đề cập đến. Trường hợp đổi bếp cũng tương tự như vậy.

Nhưng trong thực tế cuộc sống rất khó có thể mọi sự đều theo đúng quy tắc phương vị. Nếu người Đông Tứ Mệnh phải dọn nhà đến phía tây nhà cũ hoặc Tây Tứ Mệnh phải dọn nhà đến phía đông nhà cũ đều là bất lợi là lai lộ vô căn.

Trong trường hợp đó có thể áp dụng một vài phương pháp thay đổi lai lộ để giảm nhẹ hoặc hoá giải hung hại của lai lộ xấu.

Ví như người Đông Tứ Mệnh phải dọn đến nhà mới ở phía tây nhà cũ có thể đi theo đường vòng. Trước tiên đi từ nhà cũ vòng lên phía bắc đến điểm cách nhà mới chừng một cây số về phía tây dừng lại chừng nửa tiếng sau đó tiếp tục quành về nhà mới. Như vậy, lai lộ đã được thay đổi, chuyển theo hướng từ tây sang đông. Nhưng tác dụng của phương pháp này không lớn. Nếu thực sự muốn tìm phương pháp thay đổi lai lộ có uy lực hơn cần phải kết hợp với thuật Kỳ môn độn giáp, tìm đúng thời điểm Kỳ môn nằm tại phía tây của nhà mới để dọn vào nhà từ kỳ môn như vậy mới có thể phát huy tối đa tác dụng của thuật thay đổi lai lộ.

Còn nếu như không rành về Kỳ môn độn giáp có thể áp dụng phương pháp “ăn nhờ bếp khác” trong 49 ngày như phần nguyên văn đã đề cập đến để thay đổi lai lộ. Như trong ví dụ trên, người Đông Tứ Mệnh chuyển nhà sang hướng tây là không cát lợi vậy nên tìm một địa điểm ở phía tây nhà mới để ăn ở nhờ trong vòng 49 ngày sau đó chuyển sang nhà mới. Như vậy lai lộ đã trở thành từ tây sang đông. Còn về tại sao phải ở 49 ngày là bởi vì cần có sự kết hợp về không – thời gian. Cứ 7 ngày là một “tiểu lai phục” (một tuần) cần phải qua bảy “tiểu lai phục” thì không gian mới có thể định được vì bản thân phương vị không gian là bất định, cần phải kết hợp với thời gian, địa điểm. Sau 49 ngày mới có thể xác định được phương vị âm dương. Không nên từ âm chuyển sang âm vì như thế là cô âm, không sinh, cũng không nên chuyển từ dương sang dương vì như thế là cô dương, không phát triển, không có thừa tự.

Lưu Dược Sư

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *