Phong thuỷ dương trạch nhà ở theo phong thuỷ Bát Trạch

Tổng quát

Nguyên văn

Hoàng Thời Minh (nhà tướng trạch nổi tiếng cuối thời Minh đầu thời Thanh) từng nói rằng “Phàm là đô thành, phủ huyện, diện tích rộng rãi, đất tốt đều đã làm nha môn cả. Dân cư ở gần nha môn đều không cát lợi, vì khí lành đều đã bị sử dụng hết”.

Sách “Phát Vi Luận” có viết “Trước đền sau miếu là đất hương hoả, nơi âm khí tích tụ nên tại đó không có vượng khí. Ngõ sâu chật hẹp, nhà xí tối tăm là nơi tích tụ trệ khí, khí dương không phát triển được, đều không phải là thế đất phú quý. Bên cạnh nơi giết mổ sẽ bị uế khí bao phủ. Gần am ni cô, phường kỹ viện là nơi tà khí nặng nề cũng không phải là thế đất quý. Gần đàn tế, mộ cổ, cầu cống, cổng chào là nơi sát khí trùng trùng. Bốn bề là đông không mông quạnh, không một bóng nhà là nơi đãng khí bao trùm. Núi sâu rừng vắng, cô quạnh một mình là nơi âm khí dày đặc. Gần núi, gần tháp, là tượng Liêm Trinh hành Hoả cũng không phải cát địa.

Giải thích

Đoạn văn trên khái quát về các nhân tố môi trường địa lý xung quanh của dương trạch: Nhà ở không nên xây quá gần với nha môn, phủ thự của quan lại vì nếu có khí tốt cũng bị những kiến trúc đó chiếm hết. Cũng không nên ở gần chùa miếu, cung điện, lò giết mổ, kỹ viện, mồ mả, đàn tế lễ, cầu, cổng chào và cũng không nên cất nhà ở những nơi quá hoang vu hẻo lánh như đồng không, núi sâu vì đó là những nơi nhiều khí hung, khí xấu hoặc âm khí ô uế.

Hình thế

Nguyên văn

Dương trạch có nền móng vuông vắn, ngay ngắn, dễ xem phương hướng tốt. Nếu như quá cao, quá rộng, quá nhỏ hẹp, hoặc méo vẹo, trồi thụt chắc chắn sẽ hao của mất người. Sách xưa có viết: “Nhà cửa ngay ngắn, khí tượng hào hùng, tuỳ tùng nghiêm trang là nhà giàu sang”. Tường rào kín kẽ, bốn vách rõ ràng, giếng trời sáng sửa, quy cách nhất quán, là nhà phú quý. Nam bắc đều có nhà lớn, đông tây đổi hướng, thế như tranh giành lẫn nhau, bên trái bên phải đều cao lớn nguy nga là thế nhà phản nghịch. Nhà nhỏ mà cao, trơ trọi một mình không có thế thế dựa bốn xung quanh không có gì che chắn là thế nhà đơn lạnh. Nhà nghiêng cửa vẹo mưa dột gió lùa là thế nhà đau ốm. Nhà cửa tối tăm, quá trống rộng hoặc quá chật hẹp đều là thế nhà yêu quái. Nhà cửa nứt vỡ, vách tường sạt lở, đầu kèo hở hoác đó là thế đất đơn độc khổ sở. Nền đất quá cao, trước sâu sau lẹm, nước không tụ lại, lan man không tập trung là thế nhà bần cùng. Nhà cao mà đất hẹp, tiền của và nhân đinh đều hao tổn. Nhà thấp mà đất rộng, trong vòng một đời sẽ giàu có.

Hoàng Thời Minh từng nói: “Nhà ở và dinh quan nha không giống nhau. Nha môn nên rộng rãi cao lớn, nhà ở phải tập trung mới mong được phúc”.

Phòng ngủ và phòng khách cũng khác nhau. Phía trước phòng khách có thể để khoảng không rộng rãi nhưng nếu không gian phía trước phòng ngủ quá rộng thì khí sẽ tản mất. Với nhà ở, thì giếng trời là tượng trưng cho tài lộc, căn nhà phía trước mặt là án sơn. Giếng trời có kích cỡ hợp lý sẽ tụ tài. Căn nhà phía trước có chiều cao vừa phải, tương quan chủ khách cân xứng sẽ được phúc. Nhà phía trước nếu như quá cao là thế chủ bị ăn hiếp , nếu như quá thấp là thế khách không tương xứng, quá gần là thế bức bách, quá xa là thế trống trải. Mái nhà phía trước gần, nhà nên thấp, mái nhà phía trước xa có thể cao nhỉnh lên một chút. Sự cát hung của nhà ở đều dựa vào những điểm đó. Còn như đại sảnh phía ngoài cũng lại khác, giếng trời của đại sảnh là tiểu minh đường mà tiền sảnh lại là tầng án sơn thứ nhất. Khoảng không trước tiền sảnh, phía trong cổng là trung minh đường còn cổng là tầng án sơn thứ hai. Khoảng không phía trước cổng là đại minh đường, còn triều sơn (sa núi phía trước nhà) là tầng án sơn thứ ba. Tiểu minh đường cần phải kín và tập trung, trung minh đường nên rộng rãi hơn, hình dáng nên vuông vắn. Đại minh đường cần rộng rãi nhưng cũng không nên là đồng không trống trải.

Sách xưa có viết: “Nhà hẹp người đông, tức người khắc nhà là cát, nhà rộng người ít tức nhà lấn người là hung”. Lại viết: “Nhà cũ bị kẹp giữa hai bên là nhà mới xây thì tuyệt đối không nên ở vào đấy. Nhà mới xây bị kẹp giữa hai bên là nhà cũ là thế phú quý hiển hách. Nhà ở nửa cũ nửa mới là thế bần hàn. Nhà cửa mới mẻ khang trang là thế thịnh vượng muôn đời. Nhà cửa mối mọt, vì kèo mục ruỗng, chủ về mắt mù tai điếc. Cột nhà không tiếp đất, chủ nhà vắn số. Xà nghiêng cột lệch là thế thị phi phản phúc. Cột nhà liền với đầu xà, ba năm một tang.”

Nền nhà kỵ nhất là tham rộng, dễ khiến được chỗ nọ hụt chỗ kia. Sách xưa có viết:

  • Nền nhà Càn nếu khuyết ở phương Ly, chi thứ chắc chắn sẽ có con gái mù mắt.
  • Nền nhà Khảm nếu khuyết ở phượng Tốn chi trưởng sẽ có nhiều người chết trẻ.
  • Nền nhà Tốn nếu khuyết ở phương Khôn chi trưởng sẽ tuyệt tự.
  • Nền nhà Chấn nếu khuyết ở phương Càn, chi trưởng chắc chắn sẽ có con mồ côi cha.
  • Nền nhà Tốn nếu khuyết ở phương Chấn, chi trưởng ắt chết yểu không người nối dõi.
  • Nền nhà Ly nếu khuyết ở phương Càn, con trưởng chắc chắn sẽ không con.
  • Nền nhà Đoài nếu khuyết không đủ, các chi đứt tuyệt một nhà không.

Sách xưa còn viết:

  • Nền nhà Khảm đầy đủ ở phương Càn chắc chắn chủ nhà sẽ ăn chơi trách táng.

Giải thích

Phần này bàn luận về hình thế của bản thân dương trạch.

Nhà cửa nên vuông vắn, cân đối, không nên quá cao, quá rộng, quá dài, quá hẹp hoặc méo mó lệch vẹo chỗ trồi chỗ thụt vì như vậy là không hợp quy chuẩn, sẽ không có phúc.

Các kiến trúc trong nhà ở cũng phải phù hợp với đặc điểm của bản thân chúng ví dụ cửa phòng ngủ nên hẹp, cửa phòng khách phải rộng, giếng trời nên vuông vắn hoặc tròn trịa, không nên quá dài hoặc hẹp…

Nếu xét từ tám phương của bát mệnh, bát trạch, một khu nhà không nên thiếu khuyết một góc nào. Tám hướng nên đối xứng cân bằng với nhau nếu như có hướng nào bị khuyết lõm hoặc vì quá hẹp nên mất cân xứng sẽ không cát lợi.

Tầng gác

Tầng trên tượng trưng cho trời, tầng dưới tượng trưng cho đất. Nếu trời khắc đất sẽ chủ về hèn mọn, không cát lợi (ví dụ như tầng trên cao bảy phần, tầng dưới cao ba phần). Cửa phòng tầng trên và tầng dưới nhìn về hai hướng khác nhau, chủ về trong nhà có người phản nghịch hoặc dễ gặp trộm cướp. Tầng trên cao hơn tầng dưới, trong nhà dễ có người treo cổ hoặc uống thuốc độc.

Thường trên nhà chính không nên xây tầng gác, phòng khách chính cũng không nên có tầng trên, chỉ có nhà sau có thể xây tầng gác.

Nếu chỉ có một nhà mình có tầng cao hẳn lên thì bốn phía gió lùa, người ở tầng dưới sẽ không tốt.

Bên cạnh nhà có tầng cao đè xuống, ở bên trái thì trái hung, ở bên phải thì phải hung.

Số gian phòng

Nếu cần ngăn phòng, thì số gian phòng nên là số lẻ không nên là số chẵn. Ba gian là cát, bốn gian sẽ là hung, nếu là năm gian phải có một gian không, nếu là bảy gian sẽ có hai gian hung. Thử xem sẽ thấy ứng nghiệm ngay.

Giải thích

Hai đoạn văn trên bàn luận về vấn đề xây nhà tầng, gác cao và số lượng các gian phòng trong nhà. Vì tầng gác phải xây phía trên các phòng nên sẽ xuất hiện vấn đề chèn ép. Bởi vậy, tốt nhất không nên chồng tầng gác phía trên nhà chính hoặc phòng khách chính. Bên trái, bên phải của nhà ở nên tránh các tầng lầu, nếu không sẽ bị tầng lầu đè xuống nhà rất bất lợi.

Số lượng các căn phòng nếu là số lẻ sẽ tốt nếu là số chẵn sẽ hung. Kiến trúc nhà ở truyền thống thường tuân thủ theo nguyên tắc này. vì vừa đảm bảo được sự đối xứng mỹ quan mà xét từ góc độ mệnh lý, số lẻ là số sinh, số chẵn là số khắc.

Phòng ở

Nguyên văn

Phòng ở là nơi ông cháu, cha con, cháu chắt, anh em cư trú cũng là nơi đặt hướng giường. Dẫu rằng chưa ở riêng từng phòng nhưng một trượng một thước giường ngủ trong một phòng cũng được coi là nơi ở. Ví dụ như người mệnh Tây nên đặt giường ở phía tây giường ngủ của cha mẹ sẽ cát lợi, nếu đặt ở phía đông sẽ hung. Phương pháp này không căn cứ vào tầng trên tầng dưới mà chỉ cốt ở phương vị không gian hợp với cung mệnh sẽ tránh được bệnh tật, lại có thêm phúc thọ. Bởi vật các anh em trong nhà người mệnh Đông thì ở mé đông, người mệnh Tây thì ở mé tây sẽ cát lợi. Không nên cứng nhắc theo tục lệ anh ở mé đông, em ở mé tây.

Giải thích

Phần này tiếp tục nhấn mạnh rằng khi chia phòng, chia bếp nhất thiết phải theo nguyên tắc người Đông Tứ Mệnh ở phòng đông, người Tây Tứ Mệnh ở phòng tây. Cho dù anh em ở một phòng thì giường ngủ cũng phải bố trí theo nguyên tắc đó, chứ không nên cứng nhắc theo quan niệm bên trái cao, bên phải thấp để bố trí anh ở mé đông, em ở mé tây.

Cổng cửa và lối đi

Cổng cửa có năm loại:

  • Cổng giữa,
  • Cửa chính,
  • Cửa chung,
  • Cửa nách,
  • Cửa phòng.

Cổng chính là cổng lớn phía bên ngoài cùng của cả căn nhà, có vai trò quan trọng nhất, cần đặt tại hướng tốt của căn nhà.

Cổng giữa là cổng nằm bên trong cổng chính, phía trước gian nhà chính tức nghi môn, với tầm quan trọng kém hơn.

Trừ các nhà thuộc hướng: Chấn, Tốn, Càn, Đoài không nên mở cổng thẳng hướng tức đội diện với toạ sơn vì nếu mở cổng thẳng hướng sẽ là cửa Tuyệt Mệnh, Hoạ Hại rất hung. Các hướng còn lại đều có thể mở cửa thẳng từ sảnh chính trở ra. Nếu không có hai lớp cổng thì cổng giữa cũng chính là cổng chính cần phải quay về hướng tốt.

Cửa chung là ở bên trong sảnh chính, là cửa chung mở đến các gian phòng ngủ. Nếu nhà nhỏ ít phòng thì chỉ tính sự tốt xấu của cổng chính. Nếu nhà lớn nhiều phòng, các phòng ở sẽ cách xa cổng chính, tác động tốt xấu của cổng chính cũng sẽ không thật rõ rệt. Khi đó, phương pháp tính cát hung là xem xét lối đi đến các phòng nếu bên trái là hướng tốt thì chặn bên phải mà đi bên trái, nếu bên phải là hướng tốt thì chặn bên trái mà đi bên phải thì tốt hay xấu sẽ nhanh chóng ứng nghiệm.

Cửa nách là những cửa nhỏ mở ở mé trái, phải của căn nhà dùng để chuyển củi cấp nước cũng nên đặt ở ba hướng tốt để trợ giúp cho vận tốt của cả nhà ở. Cửa nách còn được gọi là “xuyên cung” đây không phải là loại cửa “xuyên trời” được đề cập trong sách phong thuỷ xưa mà vẫn là cửa xuyên vào trong nhà. Nếu cổng chính được hướng tốt, cửa nách cũng được hướng tốt thì cát lợi trọn vẹn.

Cửa phòng tức cửa trước cửa sau của các phòng ở cũng nên đặt ở ba hướng tốt. Tất cả các loại cửa nếu có từ hai cánh trở lên thì các cánh cửa đều phải to bằng nhau mới cát lợi. Nếu cánh cửa bên trái lớn hơn sẽ phải đổi vợ, nếu cánh cửa bên phải lớn hơn sẽ chủ về mồ côi goá bụa.

Nếu nhà cửa nhỏ hẹp thì phải chú trọng đến cổng chính và dùng cửa nách hướng bếp để trợ giúp cho vận nhà. Nếu nhà lớn phòng nhiều, phòng ở cách xa cổng chính, tốt xấu khó ứng nghiệm nên cần chú trọng đến cổng chung và cửa nách, dùng cửa phòng và hướng bếp để trợ giúp cho vận nhà. Cổng chính quay về hướng tốt thì cả nhà sẽ được cát lợi. Cửa chung quay về hướng tốt thì khu nhà đấy sẽ được cát lợi. Cửa phòng quay về hướng tốt thì gian phòng đó sẽ được cát lợi.

Bản thân nhà ở không có cát hung mà phụ thuộc vào sự lành dữ của cổng cửa và đường đi. Toạ sơn của nhà nên đặt ở ba hướng Sinh Khí, Thiên Y, Diên Niên trong bản mệnh của chủ nhà thì khí lành sẽ nhập trạch mà khí vào hay ra đều theo đường tốt, tự nhiên sẽ có được phúc lành.

Nếu như ở chung với người khác, hai bên phải trái đều có cổng cửa đường đi thì khí sẽ thất tán, vận nhà suy yếu, hoạ phúc sẽ không ứng nghiệm. Trong trường hợp đó, nếu bếp đặt ở hướng tốt sẽ cát lợi.

Hoặc nếu cổng chính quay về hướng xấu nhưng vì thế đất không thể đổi hướng thì nên mở một cửa phòng quay về hướng tốt để thu hút khí lành bổ sung cho vận nhà.

Hoặc gian phòng khách vẫn quay về phía trước nhưng phòng ngủ đổi hướng quay ra phía sau phòng ngủ được hướng cửa, hướng đường đi sẽ tốt cũng là cát lợi. Khi đổi hướng thì phía sau phòng ngủ cần bịt kín phía trước mở giếng trời. Không nên mở cửa ở chính giữa bức tường phía sau nhà vì sẽ thất tán khí tốt trong nhà. Bởi vậy, cửa bên nên mở ở những hướng tốt gần hai bên góc tường.

Khi mở cửa bên, cần phải dùng la bàn để định vị, đo đạc thật chính xác sau đó mới được phép mở. Phương pháp đo đạc như sau:

  • Đo từ mép mái sau của khu nhà phía sau đến mép mái phía trước của khu nhà trước nếu được sáu mươi trượng thì đặt la bàn ở vị trí ba mươi trượng rồi tìm hướng tốt để mở cửa. Phương vị mở cửa nên đặt tại Địa Chi nên mới nói cửa mở vào trong đất.

Không nên mở quá nhiều cửa vì cửa nhiều khí sẽ thất tán. Đường đi trong khu nhà không nên quá quanh co vì quá quanh co sẽ khiến vận nhà suy yếu.

Nếu cửa nhà đối diện với cửa nha môn, cửa nhà tù, cửa nhà kho, cửa đền chùa, cửa thành sẽ rất bất lợi. Nếu cửa nhà bị đường đi đâm thẳng vào cũng bất lợi. Nếu đường đi vòng đến rồi lại quành ra xa như bị cánh cung hướng thẳng vào cũng là bất lợi.

Trong nhà không nên có ba lớp cửa thẳng hàng với nhau mà nên dịch qua dịch lại. Nóc cổng không nên cao quá nhà chính vì dễ bị kiện tụng tổn thương đến người nhỏ tuổi. Nếu bị cổng chào chèn khuất nhà chính sẽ chủ về khắc vợ, điều tiếng thị phi, kiện cáo đặc biệt là đối với những người ở nhà trên.

Nếu mở cửa ngách ở bên hông nhà, cần phải mở ở hướng tương sinh. Ví dụ: nhà toạ Quý, hướng Đinh, cửa ngách hướng Tỵ, Tỵ thuộc Hoả nên bị Quý Khắc chủ con trai thứ bị bệnh tật về mắt. Vì cổng giữa đại diện cho chi trưởng, cửa ngách bên trái đại diện cho chi thứ mà Khảm 2 cũng chính là trung nam.

Giải thích

Phần này bàn về cổng cửa và lối đi mà trọng tâm là cổng cửa.

Bài viết chia cổng cửa thành năm loại:

  • Cổng chính,
  • Cổng giữa,
  • Cửa chung,
  • Cửa nách,
  • Cửa phòng.

Nhưng thường chỉ có những trang viên, những khu biệt thự lớn, kiểu cách mới bao gồm đầy đủ các loại cửa này còn thông thường những hộ gia đình nhỏ không phải là hộ nào cũng có đủ. Nhưng cổng chính, cửa nách và cửa phòng thì hầu hết nhà nào cũng có. Cổng chính là lối ra vào chung của cả căn nhà, cửa nách là những cửa nhỏ dẫn đến nhà vệ sinh, giếng nước, phòng chứa củi hay cối xay giã. Cửa phòng là cửa ra vào các gian phòng ở. Cổng chính và cổng giữa cần phải đặt tại hướng thượng cát của căn nhà. Cần hết sức chú ý đến hai loại cổng này vì cổng chính nếu được đặt tại hướng tốt thì sẽ đem lại vận tốt cho cả gia đình và ngược lại đặt tại hướng xấu sẽ mang lại vận hung. Cho dù những cánh cửa khác trọng nhà có ít nhiều không hợp trạch mệnh cũng không đến nỗi có tai vạ lớn.

Trước cổng lớn có lối đi, lối đi này tốt nhất nên mở về các hướng Sinh Khí, Diên Niên, Thiên Y trong bản mệnh của chủ nhà và không nên đối diện với cổng của nha môn, nhà kho, đền chùa, cổng thành,…

Phương pháp xác định du tinh

Trước tiên, xuất phát từ toạ sơn để xác định du tinh cho đến cổng chính, sau đó lại từ cổng chính xác định du tinh quay trở về hướng toạ (bản vị) của căn nhà. Nếu cát tinh nằm đúng hướng toạ thì không nên mở cửa sau hay mở cửa sổ phía sau vì sẽ khiến khí tốt thất thoát. Phía sau nhà có thể mở giếng trời nhưng phía sau giếng trời nhất định phải có tường bao, phía trên không nên mở cửa hay cửa sổ.

Nếu như bị sao xấu bay đến hướng toạ thì nên mở cửa hoặc cổng chính để bài trừ khí xấu như vậy hung khí sẽ giảm bớt. Nếu trong khu nhà có nhà cao hơn hẳn thì tính du tinh từ căn nhà cao nhất đó tính đến cổng chính để xem thuộc sao nào. Nếu là nhà mới xây thì bắt đầu tính từ cung cát đếm đến cổng chính.

Nếu nhà cao từ 4, 5 thước trở nên thì lấy nóc nhà cao làm chủ. Nếu chỉ cao 2, 3 thước thì vẫn căn cứ vào cổng chính để tính du tinh.

Ví dụ nhà toạ Khảm cửa hướng Tốn, tại hướng Khảm có nhà cao làm chủ tinh. Như vậy, nếu tính lần lượt thì hướng Tốn là hướng Sinh Khí đại lợi. Nhưng nếu như nhà cao nằm ở phương Cấn thì phải tính du tinh từ phương Cấn như vậy phương Tốn sẽ trở thành Tuyệt Mệnh.  Sao khắc cung mệnh đã là hung hơn nữa lại gặp phải cung Thổ! Nhưng trường hợp khác có thể loại suy từ đó.

Sách Mẫn Hải môn lại viết: “nhà được hướng Sinh Khí Mộc Tinh sẽ có nhiều con, cho dù ở cung Càn, cung Đoài cũng vậy, không kỵ cung mệnh khắc sao”.

Giải thích

Du tinh nghĩa là tám ngôi sao Thiên Y, Ngũ Quỷ, Hoạ hại, Diên Niên, Tuyệt Mệnh, Lục Sát, Sinh Khí và Phục Vị lần lượt nằm ở tám phương Bát Quái. Phi tinh được tính bắt đầu từ phương vị cung mệnh trong bản mệnh quái của chủ nhà đếm đủ một vòng để xác định các hướng tốt xấu. Đó là nguyên lý cơ bản của phi cung. Khi xây nhà làm cửa đều phải căn cứ vào phương pháp này để xác định du tinh. Thế nhưng tuỳ từng loại hình kiến trúc mà có phương pháp tính đếm phi tinh khác nhau và trình tự của phi cung cũng có khác nhau. Như trong phần nguyên văn đã viết, nếu nhà chính cao 4, 5 thước thì du tinh phải được đếm từ căn nhà cao đó còn nếu như nhà chính chỉ cao 2, 3 thước thì đếm du tinh từ cổng chính.

Giếng trời

Nguyên văn

Giếng trời cũng là một yếu tố quan trọng của nhà ở, quyết định đến tài lộc của gia đình. giếng trời cần vuông vắn, phẳng phiu, không nên xiên lệch, lồi lõm cũng không nên để bẩn thỉu, ẩm thấp.

Nếu hai bên đại sảnh có đường phố thì cổng thường nên đóng để dưỡng khí tốt. Giếng trời ở nhà phú quý thường có hình dạng vuông vắn, ngay ngắn. Ở những nhà trung bình giếng trời cũng mang ý nghĩa tích luỹ.

Cổng chính ở hướng Sinh Khí, giếng trời đặt phương vượng, thì âm dương tự nhiên sẽ điều hoà mà không tuôn vào ồ ạt, hai bên ắt sẽ được phù trợ.

Sách xưa viết: Không cao không lõm, không dài không hẹp là thế vàng ngọc chất chồng, tài lộc bất tận. Nếu khuyết ở mé trái thì người nam trong nhà sẽ bị tổn hại trước, nếu khuyết ở mé phải thì người nữ trong nhà sẽ bị tai vạ trước.

Giải thích

Trong kiến trúc nhà ở trang viện truyền thống thường có thiết kế giếng trời. Người xưa quan niệm giếng trời là nơi tích tụ tài lộc nên có vai trò hết sức quan trọng. Phần chính văn nhấn mạnh giếng trời cần phải vuông vắn hoặc tròn trĩnh cân đối, ngay ngắn, sạch sẽ, không được cắt xén giếng trời để dùng vào việc khác cũng không nên để giếng trời ẩm thấp, lồi lõm, sụt lún, lộn xộn.

Giường

Chỗ đặt giường không nên có xà nhà vắt qua. Xà nhà vắt qua đuôi giường, Kim thuộc âm sẽ thường xuyên bị ác mộng, bóng đè. Xà nhà vắt qua đầu giường, kim thuộc dương chủ về bệnh ngầm.

Giường nên đặt đúng hướng Sinh Khí không được có chút thiên lệch. Như nhà toạ Khảm hướng Tốn xây bốn gian phòng mà bốn gian phòng lại xây cao hơn hẳn như vậy là Mộc được hướng Sinh Khí, nếu lệch về phía đông sẽ là Tuyệt Mệnh, lệch sang phía Tây là Hoạ Hại là bất lợi. Nếu hai bên nhà có nhà ngang, không cần phải câu nệ vào nguyên tắc này.

Khi đặt giường chủ yếu cần căn cứ vào cửa phòng, giường nên quay đuôi vào hướng xấu, quay đầu về phương Sinh Khí (toạ sát hướng sinh) như vậy sẽ được phát tài, rộng đường nối dõi. Trở đuôi vào hướng xấu, quay đầu về hướng tốt sẽ hoá giải được tai hoạ, nảy sinh phúc lộc.

Hướng giường nên có ánh sáng không nên tối tăm, nếu tối tăm trong nhà sẽ có chuyện xui xẻo. Nếu phòng ở không thuận tiện để mở cửa lấy ánh sáng có thể đặt đầu giường ở vị trí gần với ánh sáng mặt trời. Giường tránh kê đối diện với cửa phòng, nếu đối diện với cửa phòng tốt nhất nên dùng bình phong chắn ở giữa.

Trong các việc sửa sang dương trạch thì chuyển vị trí giường là dễ dàng nhất. Giường nên đặt ở hướng tốt trong bản mệnh và hướng tốt của phòng ở, đồng thời cũng phải đặt ở hướng tốt của toạ sơn sẽ nhanh chóng được phát tài, có con nối dõi.

Giải thích

Giường ngủ tốt nhất nên quay đầu về hướng Sinh Khí trong bản mệnh để đón sinh khí, trở đuôi về hướng xấu vì thông thường phương vị nằm 2 bên hướng Sinh Khí đều là hướng xấu nên hướng của giường là toạ sát hướng sinh.

Trong tất cả những công việc cải tạo sắp xếp lại dương trạch thì chuyển vị trí giường ngủ là việc dễ thực hiện nhất. Bởi vậy, trong trường hợp không thể đổi được hướng cửa hay hướng phòng có thể sử dụng phương pháp chuyển vị trí giường để hoá giải hung khí.

Bếp

Bài ca quyết đặt bếp:

Phiên âm

An táo diện tây tử tôn lương,

Hướng nam thiêu hoả vô hoạ ương,

Diện đông bần cùng bất cát lợi,

Vụ yếu thôi cẩu tử tế tường.

Dịch thơ

Quay bếp về tây lợi cháu con,

Hướng nam hoả hoạn chẳng tai ương,

Hướng đông nghèo khó không cát lợi,

Nếu muốn truy cầu nhớ xem tường.

 

Bếp tại cung Càn ấy diệt môn (Ly trạch nên tránh).

Đặt ở Hợi, Nhâm hại đường con (Khôn trạch nên tránh).

Dần Giáp đắc lộc Thìn, Mão phất (hợp với Khảm trạch, Ly trạch).

Cấn, Ất hoả tai lại dịch ôn.

Tại Khôn, Tý, Quý nhà nghèo rớt (Khôn trạch nên tránh).

Sửu hao gia súc thai khó toàn (Càn trạch nên tránh).

Tỵ Bính tốt tằm Canh đại cát (Hợp với Chấn trạch),

Đặt vào phương Ngọ vượng cháu con,.

Hướng Tân, Dậu, Đinh nhiều bệnh tật (Khảm trạch nên tránh).

Thân, Tốn, Mùi, Tuất chẳng tai ương.

Nếu nhà toạ Nhâm hướng Bính đặt bếp tại phương Càn chỉ mấy tháng sau gia chủ sẽ gặp vạ.

Nhà toạ Quý hướng Đinh đặt bếp tại phương Càn thì con trai cả sẽ bệnh tật.

Nhà mệnh Đoài đặt bếp tại cung Càn sẽ tổn thương đến con trai cả.

Cửa bếp cũng kỵ bị cửa hoặc đường đi trực xung nếu bị ánh sáng từ cửa sổ chiếu thẳng vào sẽ sinh bệnh tật.

Bếp lò nên tựa lưng về hướng xấu, cửa lò hướng về hướng tốt trong bản mệnh.

Giải thích

Phần này bàn luận về tính chất cát hung của hướng bếp như:

  • Người mệnh Ly không nên đặt bếp quay về phương Càn,
  • Người mệnh Khôn không nên đặt bếp quay về các hướng Hợi, Nhâm, Tý, Quý.
  • Người mệnh Càn không nên đặt bếp quay về phương Sửu.
  • Người mệnh Khảm không nên đặt bếp quay về các hướng Tân, Dậu.
  • Người mệnh Khảm, mệnh Ly nếu đặt bếp quay về các hướng Dần, Thìn, Mão là đạt cát.
  • Người mệnh Cấn đặt bếp hướng về phương Ất là đại hung.
  • Người mệnh Chấn đặt bếp quay về phương Tỵ, Bính, Canh, Ngọ là đạt cát.

Như vậy, hướng của bếp được xác định bằng 24 sơn và nguyên tắc cơ bản vẫn là hướng bếp nên quay về ba phương Sinh Khí, Thiên Y, Diên Niên.

Hướng cửa bếp

Cửa bếp tức là phần cửa ở phía dưới nơi đặt nồi chừng hơn thước tức cửa để đưa củi, thổi hơi vào lò. Ảnh hưởng cát hung của cửa bếp là rất nhanh chóng, chừng một vài tháng là ứng nghiệm.

Nếu người mệnh Đông Tứ Mệnh mà cửa bếp hướng về đông là cát, hướng về tây là hung.

Người mệnh Tây Tứ Mệnh mà cửa bếp hướng về tây là cát, hướng về đông là hung.

Người đốt lửa nấu cơm, lưng phải quay về phương tốt, mặt hướng về cửa lò như vậy mới là hướng tốt thực sự.

Giếng

Nguyên văn

Giếng nên đào ở hướng sinh vượng của lai long như vậy người nhà sẽ được thông minh trường thọ. Nếu đào giếng tại phương vị tuyệt khí của lai long thì người nhà sẽ ngu ngốc, trì độn. Nước ở bên trái thì bên trái là Sinh Khí, nước ở bên phải thì bên phải là Sinh Khí, nếu nước dốc về bên trái thì bên trái có sinh khí, nếu nước dốc về bên phải thì bên phải có sinh khí. Nếu như nước dốc về phía bên trái nhưng bên trái không có nước thì khí sẽ ở phía trước (nếu đường ở bên phải cao hơn ở bên trái, là thế nước bên phải dốc sang bên trái, phong thuỷ gọi đó là thế “hữu thuỷ đảo tả”). Có bài ca quyết như sau:

Đào giếng phương Tý sinh điên loạn,

Phương Sửu anh em khó thuận hoà,

Dần, Mão, Tỵ, Thìn đều bất lợi,

Tuất Ngưu tìm nước hoạ không xa,

Giếng tại Hợi Mùi là cực xấu,

Thân Dậu hung rồi lại hoá may,

Duy ở cung Càn chân phát bệnh,

Tại Giáp, Canh, Nhâm mặc sức đào,

Giếng bếp nhìn nhau nữ dâm loạn,

Phương Đoài khơi giếng quả không hay.

Đoài là đầm là thiếu nữ chủ về dâm loạn nên tĩnh, không nên động.

Nếu đào giếng trên núi nên đào ở chỗ long uốn mình. Nếu đào trên sống núi sẽ không có nước.

Giải thích

Phần này trình bày về vị trí đào giếng. Giếng có thể được đào trong khu nhà ở cũng có thể được đào ở phía ngoài nhà để nhiều hộ hoặc cả làng sử dụng chung. Đào giếng cần phải xem hướng của lai long, lai long tức là mạch núi. Đồng thời, phải căn cứ vào niên mệnh của gia chủ, dùng la bàn để đo đạc xác định xem vị trí định đào giếng thuộc sơn nào trong hai mươi tư sơn sau đó mới có thể biết được vị trí đào giếng là tốt hay xấu.

Theo như bài ca quyết trong phần nguyên văn, nếu đào giếng tại mười hai sơn Tý, Sửu, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Tuất, Hợi, Càn, Đoài là không cát lợi. Đào giếng tại phương Khôn và Dậu thì xấu trước tốt sau, mười sơn còn lại đều là cát lợi trong đó ba phương Giáp, Canh, Nhâm là tốt nhất. Ngoài ra không nên đào giếng đối diện với cửa bếp nếu không may gặp trường hợp như vậy cần thay đổi hướng bếp hoặc hướng giếng.

Hầm, hố

Nguyên văn

Bất luận là ở vùng quê hay thành thị, nếu như đào hầm, hố tại vị trí trọng yếu của lai long thì sẽ tổn thương đến chủ nhà, nhẹ thì vướng chuyện kiện tụng, nặng thì mất mạng.

  • Đào hố tại phương Cấn sẽ không phát được tài vận.
  • Đào hố tại phương Càn, phương Đoài, mẹ và con gái bé sẽ nhiều bệnh tật.
  • Đào hố tại phương Khảm, phương Ly chủ về hỏng mắt.
  • Đào hố tại phương Mão, phương Dậu chủ về mồ côi goá bụa.
  • Đào hố tại phương Càn chủ nhà sẽ gặp tai vạ.

Sách xưa có viết: “Đào hố tại Khôn, Ly hao nhân định hại vợ. Tại Đoài không bạc tiền, nghèo khó thêm cơ nhỡ. Tại Càn gặp Lộc Tồn, mắt đau đầu váng khổ. Phương Khảm đào hố sâu, cháu con thường yểu thọ. Đào hố tại Cấn cung, bệnh tật thêm đau khổ.”

Giải thích:

Xung quanh nhà ở không nên tuỳ tiện đào hố. Nhà ở thường có lai long đem lại sinh khí, vượng khí nếu như không biết mà đáo đúng mạch khí sẽ cắt đứt long mạch là hết sức bất lợi. Nếu như cần thiết phải đào hố trước tiên cần phải xác định rõ hướng của lai long, tuyệt đối không nên đào hố nhằm đúng lai long. Phương pháp quan sát lai long khá đơn giản: Đứng trong khu vực nhà ở quan sát xung quanh, thấy núi ở phương nào thì phương đấy không nên đào hố.

Số mệnh

Nguyên văn

Trổ cổng, mở đường tại ba hướng tốt của trạch mệnh sẽ được phúc lộc. Nếu làm ngược lại sẽ rước vạ vào nhà. Ấy là do không hợp với số mệnh. Bởi vậy nhà ở cần phải phù hợp với hướng sinh mệnh.

Ví dụ nhà Mộc, sao Mộc nếu người mệnh Thuỷ ở đó gọi là “hoá” (sinh), nếu người mệnh Kim ở đó gọi là “chế” (khắc). Sao Phá Quân ở phương Tốn sẽ khắc vợ nhưng nếu là người mệnh Thuỷ ở nhà Hoả thì không kỵ.

Sách “Đẩu linh kinh” có viết: “Khi tính phương hướng nhà chỉ căn cứ vào niên mệnh của chủ nhà chứ không tính cả niên mệnh của em trai, con trai, con gái, cháu hay vợ. Nếu chủ nhà đã mất thì tính theo niên mệnh của con trai cả còn em trai, các con các cháu thì căn cứ theo niên mệnh của mỗi người để phân chia các phòng Đông, Tây. Nếu chỉ có người mẹ gánh vác gia đình thì căn cứ vào niên mệnh của người mẹ.”

Nếu như nhà là Tây Tứ Trạch mà vợ là mệnh Đông, chồng là mệnh Tây thì cần phải ở ra sao?

  • Nếu ở phòng bắc thì chồng ở gian phía tây, vợ ở gian giữa vậy gian giữa được coi là Khảm.
  • Nếu ở phòng nam thì chồng ở gian phía tây, vợ ở gian giữa hoặc gian phía đông, trung và đông tức Tốn, Ly.
  • Nếu ở phòng đông thì chồng ở gian phía bắc, vợ ở gian giữa hoặc gian phía nam, trung và nam tức Chấn, Tốn.
  • Nếu ở phòng Tây thì chồng ở gian giữa, vợ ở gian chính nam hoặc chính bắc, nam và bắc có thể coi là Khảm, Ly.
  • Về hướng kê giường thì đầu giường nên quay về hướng đông nam. Nhìn chung nếu mệnh vợ mệnh chồng khác nhau thì lấy mệnh chồng làm chủ. Những trường hợp khác cũng loại suy ra từ đó.

Giải thích

Phần này chủ yếu trình bày về trình tự trong cách tính niên mệnh. Thường một gia đình thường gồm nhiều thành viên bởi vậy trạch mệnh cần căn cứ vào niên mệnh của người nam có vai vế lớn nhất trong nhà. Nếu như chủ nhà đã qua đời thì căn cứ vào niên mệnh của nữ chủ nhân. Nếu như vợ chồng chủ nhà đều đã mất thì căn cứ vào niên mệnh của con trai trưởng. Đó là cách tính niên mệnh chung cho cả gia đình. Nhưng nếu như đã chia bếp ở riêng thì cho dù vẫn sống chung trong một khu nhà nhưng mỗi phòng sẽ căn cứ vào niên mệnh của mỗi người để lập toạ hướng.

Nếu như mệnh vợ chồng khác nhau thì nên ở hai phòng với phương vị khác nhau như đã trình bày trong phần nguyên văn.

Tu phương

Nguyên văn

Việc sửa chữa nhà cửa đều được gọi là “tu phương”. Người mệnh Đông tu sửa ở phía đông nhà ở sẽ cát lợi nhưng kỵ tu sửa ở phía tây. Trong vòng nửa năm phúc hay hoạ sẽ thấy rõ, cực kỳ ứng nghiệm.

Giải thích

Khi tu sửa nhà cửa vẫn phải tuân thủ đúng nguyên tắc người Đông Tứ mệnh nên tu sửa phần phía đông, người Tây Tứ Mệnh nên tu sửa phần nhà phía tây. Tuyệt đối không nên làm ngược lại.

Lưu Dược Sư

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *