Tứ thiên cung: Đánh giá môi trường sống và làm việc của bạn

Trong bài viết này chúng ta sẽ tìm hiểu:

  • Những tôtem người Trung Quốc cổ thờ phụng.
  • Tứ Linh: Địa thế và hình dáng ngôi nhà ảnh hưởng đến hạnh phúc và sức khỏe của bạn.
  • Các dạng sông và đường.
  • Vị trí ngôi nhà tọa lạc là quan trọng nhất.

Phong thủy quan tâm đến việc sống hòa hợp với môi trường, khai thác sinh khí (khí tích cực) nhằm mang lại sức khỏe, sự giàu có và những mối quan hệ tốt đẹp hơn, tránh hay khắc phục sát khí (khí tiêu cực) – yếu tố gây hại cho hạnh phúc, sức khỏe của bạn. Trong bài viết này, bạn sẽ biết về vũ trụ học của người Trung Quốc cổ – bốn con vật thần thoại hay Tứ Linh (Chu Tước, Thanh Long, Bạch Hổ, Huyền Vũ) được người Trung Quốc thờ phụng đã biến thành các kiểu địa thế ra sao. Bạn sẽ khám phá ra cách nhận biết những địa thế này và chúng giúp đem lại cho nhà bạn sự bảo vệ và an toàn như thế nào. Ngoài ra, chúng tôi sẽ cho bạn thấy nhà hàng xóm, sông và đường đi giữ vai trò gì trong cuộc sống và công việc của bạn.

Tôtem ở khắp đó đây

Tôtem là từ tiếng Algonquin, chỉ con vật hay vật thể tự nhiên mà một bộ tộc đặc biệt yêu mến và gắn bó. Tượng trưng cho tư cách thành viên của một nhóm, tôtem được các thành viên của bộ tộc mang tên tôtem đó thờ phụng.

Tất cả các xã hội cổ đại đều tôn thờ Chúa Trời và hình dung Chúa Trời, thần hộ mệnh, tổ tiên dòng họ của mình giống như hình dạng của các thiên thể. Những vị thần hình sao này thường được biểu hiện dưới hình thức các con vật – các tôtem. Người ta thờ những con vật này để được che chở. Bắt nguồn từ tộc Algonquin ở Bắc Mỹ, từ “Tôtem” miêu tả biểu tượng của một bộ tộc – đó là con vật hay vật thể tự nhiên mà một nhóm người đặc biệt yêu mến hoặc gắn bó.

Tại sao lại có mối quan hệ với một con vật nào đó? Đây là một điều huyền bí. Mặc dù có thể chúng ta sẽ không bao giờ biết tại sao một bộ tộc lại chọn một con vật riêng làm biểu tượng của mình, nhưng vùng địa lý của nền văn hóa đang được nói đến có thể cung cấp những đầu mối quan trọng. Ngoài ra, thật hợp lý khi thừa nhận động vật là hiện thân cho những thuộc tính tích cực (như lòng dũng cảm, sức mạnh hay lòng trung thành) mà bộ tộc đó muốn gắn cho mình. Nhưng trước khi tìm hiểu những vấn đề này, chúng ta hãy xác định những tôtem mà người Trung Quốc cổ thờ phụng. Khi đó chúng ta có thể biết được những tôtem này liên quan đến phong thủy như thế nào.

Các chòm sao

Ở Trung Quốc, nền văn hóa mà chúng ta biết ngày nay hình thành dựa trên tổ hợp bốn con vật thần thoại được các bộ tộc cổ xưa tôn sùng. Cái được gọi là Tứ Thiên Cung – Chu Tước, Thanh Long, Bạch Hổ và Huyền Vũ thực ra là 4 chòm sao lớn, mỗi chòm lại gồm 7 chòm sao nhỏ. Kết hợp lại 4 chòm sao lớn đó có 28 chòm sao hoàng đạo Trung Hoa (Nhị Thập Bát Tú).

Báo hiệu điểm chí và điểm phân, mỗi chòm sao tượng trưng cho một phần tư bầu trời đêm và chỉ thấy được trọn vẹn vào mùa gắn với chòm sao đó. Một điều quan trọng cần biết là người Trung Quốc dùng thiên đạo để tìm vị trí sao. Khi ở vùng miền núi Trung Quốc, sẽ là khôn ngoan hơn nếu tổ chức quan sát vào thời điểm các thiên thể xuất hiện trên đỉnh đầu. Ở phương Tây, người ta chú trọng đến việc mọc và lặn của các thiên thể ở đường chân trời được gọi là hệ hoàng đạo, hệ này bắt nguồn từ những vùng cận nhiệt đới, nơi đất đai bằng phẳng và tầm nhìn không bị cản trở.

Câu chuyện Trời sập xuống đất

Có thể bạn đang tự hỏi: Vũ trụ học cổ đại liên quan thế nào với phong thủy, các con vật thần thoại gắn kết ra sao với việc khai thác khí tích cực. Đáng tiếc, như nhiều truyền thống cổ đại khác, những câu trả lời đều mang màu sắc huyền thoại. Vào khoảng thời gian từ năm 6000 trước công nguyên đến thế kỷ 4 sau công nguyên, tức là giữa thời điểm xuất hiện mộ thời đồ đá mới và thời điểm Táng Kinh ra đời, thần chim, thần rồng, thần rùa và thần hổ xuống hạ giới và tượng trưng cho bốn dạng địa thế gắn với trường phái phong thủy Hình Thế – xác định những vị trí tốt nhất để xây nhà hay chôn cất người chết.

Tương truyền trước kia trời tròn (hay hình vòm) và đất vuông (hay phẳng) hòa hợp tuyệt đối, và tám ngọn núi lớn (tương ứng với 8 hướng) phân cách trời – đất. Tuy nhiên, thế giới lý tưởng và hoàn hảo này kết thúc khi quỷ nước Cộng Công đánh nhau với thần lửa Chúc Dung. Trong trận chiến này, núi Bất Chu – cột trụ tây bắc bị sập. Vì lẽ đó, trời đổ sầm xuống khiến cho đất trồi lên ở phía đông nam và sụt xuống ở phía tây bắc. Bốn chòm sao lớn đã biến thành các vùng đất có địa mạo khác nhau và mỗi chòm gắn với một hướng chính: Chu Tước – phía Nam, Bạch Hổ – phía Tây, Huyền Vũ – phía Bắc, Thanh Long – phía Đông.

Mặc dù đó là một câu chuyện thú vị nhưng tất cả chúng ta đều biết rằng trận chiến thời nguyên thủy này thực sự không hề xảy ra. Tuy nhiên, hình dạng và vị trí ở gần nhau của các chòm sao thần này giúp miêu tả sự bố trí khí, và về cơn bản cung cấp cơ sở cho trường phái phong thủy Hình Thế. Nhiệm vụ của thầy phong thủy là tìm ra khu đất nằm giữa các sinh vật đại diện cho trời ở trên đất. Thầy phong thủy dùng thức bàn để thực hiện nhiệm vụ này. Qua thời gian, công cụ thần thánh này được thay bằng la kinh mà các thầy phong thủy ngày nay sử dụng.

Tìm kiếm long mạch

Văn bản cổ nhất làm nền tảng cho lý thuyết của trường phái phong thủy Hình Thế xuất hiện vào thế kỷ thứ 5 trước công nguyên, trong Quản tự, được cho là do Quản Trọng – tể tướng nước Tề viết nên. Tuy nhiên, trong sáu thế kỷ sau đó, một học thuyết được phát triển đầy đủ bàn về mối quan hệ giữa thế đất và khí vẫn không được xem xét. Như chúng tôi đã nói, Táng Thư ra đời vào thế kỷ thứ 4 sau công nguyên là thánh thư về địa thế, miêu tả chi tiết cách xác định long mạch. Đó là nơi khí hội tụ, điểm giao nhau giữa thế đất Chu Tước ở hướng Nam, thế đất Thanh Long ở hướng Đông, thế đất Huyền Vũ ở hướng Bắc và thế đất Bạch Hổ ở hướng Tây. Long mạch được xem là vị trí tốt nhất để xây nhà hoặc chôn cất người chết.

Nhiều học giả cho rằng Táng Thư là của Quách Phác (276 – 324 sau công nguyên). Nó làm sáng tỏ Táng Kinh – được cho là xuất hiện vào thời nhà Hán. Sách Táng Thư viết: “Khí lưu chuyển theo thế đất. Nhờ có sự nuôi dưỡng của khí mà mọi sinh vật mới có thể tồn tại được. Khí vận hành trong đất, chạy theo thế đất và tụ lại ở nơi địa hình kết thúc”.

Xác định long mạch – cách nói ẩn dụ chỉ nơi sinh khí tụ lại là điều trường phái phong thủy Hình Thế quan tâm. Khi người chết được chôn ở vị trí này, xương cốt người chết (âm) được kích hoạt hay nạp sinh khí (dương). Khi xây nhà trên vị trí thuận lợi này, gia chủ sẽ gặp may mắn, có sức khỏe tốt và giàu sang.

Trèo lên trên núi

Ngoài việc gắn với mỗi hướng, các thế đất có Chu Tước, Thanh Long, Huyền Vũ và Bạch Hổ còn tương ứng với mỗi mùa, mỗi màu sắc của Ngũ Hành và cực âm, cực dương như minh họa dưới đây.

Cấu tạo địa hình Tứ Linh.
Cấu tạo địa hình Tứ Linh.

Bắt đầu từ Chu Tước, đi theo chiều kim đồng hồ, Chu Tước tượng trưng cho hướng nam, mùa hè, màu đỏ và khí dương. Ở những vùng khí hậu ấm áp thường có nhiều chim hơn đó là lý do tại sao thần điểu này lại được đặt ở phía trời nam. Hình thế Chu Tước phải thấp hơn các hình thế còn lại. Hình thế Chu Tước không chỉ là địa thế mà còn có thể tượng trưng cho nguồn nước.

Bạch Hổ tượng trưng cho hướng Tây, mùa thu, màu trắng và khí âm. Nếu bạn đi tiếp theo hướng Tây về phía Ấn Độ, ở đó hổ là loài vật bản địa và có rất nhiều. Về mặt địa hình, hình thế Bạch Hổ dài hơn và thấp hơn hình thế Thanh Long ở phía đông.

Huyền Vũ trượng trưng cho hướng Bắc, mùa đông, màu đen và khí âm. Huyền Vũ là thế đất cao nhất. Tại sao là rùa? Tại sao là hướng bắc? Tất cả những gì chúng ta biết là bói mai rùa là một truyền thống của người phương bắc. Trong thực tế, bói toán dùng yếm rùa hay mai rùa đã đưa đến dạng bói toán gọi là bói thẻ, theo cách bói này, người ta rút thăm (ví dụ như đá, thẻ hay cọng rơm) để biết số mệnh của mình. Người Trung Quốc cổ dùng thân cây cỏ thi – phương pháp liên quan trực tiếp với sự phát triển của Kinh Dịch và được xem là cách bỏi cổ nhất vẫn còn được sử dụng cho đến ngày nay.

Thanh Long tượng trưng cho hướng đông, mùa xuân, màu xanh và khí dương. Theo truyền thống, hình thế Thanh Long cao hơn Bạch Hổ ở hướng Tây. Về mặt khí tượng học, rồng xanh ứng với chòm sao Thần Nông.

Kết hợp lại, Chu Tước, Bạch Hổ, Huyền Vũ và Thanh Long tạo nên long mạch. Bất chấp dáng vóc, mỗi con vật linh thiêng đóng một vai trò tối quan trọng trong việc nuôi dưỡng coi dương của người sống và cõi âm của người chết. Chúng ta hãy tìm hiểu vai trò của mỗi con vật.

Hãy ngồi vào chiếc ghế bành

Hãy hình dung long mạch giống như một chiếc ghế bành. Hình thế rồng và hổ tượng trưng cho hai tay ghế, hình thế rùa tượng trưng cho lưng ghế và hình thế chim tượng trương cho chiếc ghế con dùng để chân. Vị trí đẹp nhất để xây mộ, xây nhà hay định cư nằm ở phần giữa đó là mặt ghế. Giờ hãy hình dung bạn đang ngồi  trên ghế. Bạn sẽ cảm thấy thế nào nếu thiếu tay ghế trái (Thanh Long) hoặc tay ghế phải (Bạch Hổ)? Bạn cảm thấy không thoải mái, trống trải, không thăng bằng? Trong phong thủy, hình thế rồng và hổ bảo vệ long mạch giống như đôi tay ghế bảo vệ thân mình bạn.

Hình thế Huyền Vũ có vai trò chống đỡ và bảo vệ. Ở Trung Quốc, hình thế rùa cản cái gió lạnh thấu xương của phương Bắc và giúp chống lại những cuộc tấn công của các tộc người man rợ. Tiếp tục so sánh về chiếc ghế của chúng ta, chắc chắn bạn sẽ cảm thấy an toàn hơn khi có chỗ dựa lưng đúng không?

Hình thế Chu Tước thì sao? Mặc dù không có vai trò bảo vệ nhưng địa thế thấp hay khối nước này là khu đệm ngăn cách bạn với những lực xung chiếu. Ngoài ra, từ vùng này có thể thấy rõ được toàn bộ khu đất.

Mặc dù theo truyền thống Tứ Linh tương ứng với bốn hướng nhưng chúng ta không cần phải quá nghiêm ngặt khi đánh giá vị trí xây nhà. Không cần để ý nhiều đến phương hướng, chỉ biết rằng tốt nhất là có được địa thế như sau: rùa đen đỡ sau lưng, rồng xanh ở bên trái, hổ trắng ở bên phải và chim đỏ ở phía trước.

Theo truyền thống, người Trung Quốc cho rằng bên trái quan trọng hơn bên phải. Vì lý do này, tế tướng đầu triều luôn đứng bên trái nhà vua. Trong chừng mực nào đó, điều này liên quan đến hoạt động của não chúng ta. Với những người thuận tay phải, bán cầu não trái điều khiển nửa người bên phải. Người Trung Quốc cổ xưa hiểu điều này và tôn vinh giá trị của não bộ bằng việc sắp xếp vị trí quan lại theo cơ cấu hoạt động của não.

Những người thành phố tháo vát

Giả sử bạn sống trên một địa hình bằng phẳng và không nhìn thấy địa thế rồng, rùa hay hổ gì cả. Có phải ngôi nhà này đem lại những điều không may? Hoàn toàn không phải thế! Trên địa hình này, bạn vẫn có thể tìm ra Tứ Linh! Ví dụ, đa số chúng ta đều có nhà hàng xóm ở bên trái và bên phải. Từ trong nhà nhìn ra, những nhà hàng xóm này tượng trưng cho rồng (bên trái) và hổ (bên phải). Để xác định bên nào mạnh nhất bạn phải xem xét:

  • Quy mô ngôi nhà: ngôi nhà phía bên nào to và đồ sộ hơn thì phía bên đó mạnh hơn.
  • Vị trí của từng ngôi nhà so với nhà bạn: ngôi nhà nào gần hơn thì mạnh hơn.
  • Mật độ nhà ở mỗi bên: bên nào có nhiều nhà hơn thì có ảnh hưởng lớn hơn.

Nếu nhà láng giềng ở bên trái cao hơn nhà bên phải thì nhà bạn hợp với nam giới. Đó là vì bên trái – rồng – tương ứng với khí dương (nam). Nếu nhà láng giềng bên phải cao hơn thì nhà bạn hợp với nữ giới.

Cũng có thể có ngôi nhà đỡ phía sau nhà bạn. Nó đem đến cho bạn sự an toàn và bảo vệ nhưng ngôi nhà phía sau này không được lấn át nhà của bạn. Ngoài ra, ngôi nhà này không được cản ánh nắng mặt trời.

Cây cối, hàng rào, bụi cây hay thậm chí là tường rào ở vị trí thích hợp và có kích thước hợp lý là những vật có thể thay thế cho các thế đất và tòa nhà để làm vai trò của Tứ Linh. Ví dụ, nếu nhà bạn quay lưng ra công viên, bạn có thể trồng vườn cây hay hàng rào, tường rào để bảo vệ phía sau lưng bạn.

Xuôi dòng sông hay thong dong trên con đường thoáng

Theo Quách Phách, trong tác phẩm Táng Thư: Khí nương theo gió, gặp nước thì dừng lại.

Trong phong thủy, dòng sông và đường đi được đánh giá theo cùng một cách. Dòng sông uốn khúc giống như con đường quanh co. Dòng nước xiết giống như dòng xe cộ đang chạy hối hả. Tùy thuộc vào hình dáng của chúng, dòng sông và con đường có thể đưa đến cho bạn Sinh Khí và đem lại điều may mắn, hoặc sát khí và tai họa, bệnh tật.

Vậy nếu bạn đang tìm mua nhà mới hay muốn đánh giá căn nhà hiện tại của bạn thì nên xem xét những điều chúng tôi đưa ra ở đây. Ở mức độ nào đó, sức khỏe và sinh kế của chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào những con đường dẫn vào nhà.

Hãy xem xét những minh họa dưới đây. Trước khi đọc bản phân tích của chúng tôi hãy thử hình thành kết luận của chính bạn. Quên hết tất cả các yếu tố khác, hãy chỉ xem hình dạng của con đường khiến bạn cảm thấy thế nào.

Trong phong thủy, dòng sông và đường đi được đánh giá như nhau.
Trong phong thủy, dòng sông và đường đi được đánh giá như nhau.

Chúng ta hãy xem xét từng minh họa một:

  1. Đường thẳng: Nhìn chung, phần lớn các ngôi nhà đều nằm dọc theo các con đường kiểu này. Điều này không tốt? Không tốt khi đây là đường phố chính và bạn phải chịu thêm tiếng ồn, bụi bẩn và những thứ có thể gây mệt mỏi và bệnh tật. Nghe tiếng còi hay tiếng chim hót bạn cảm thấy thanh bình hơn? Nếu bạn sống gần một con đường thẳng, ngôi nhà tốt nhất nên nằm ở đoạn giữa con đường, được hình thế hổ và rồng đỡ. Tương tự như vậy, nếu bạn sống bên cạnh cống dẫn nước hay con sông với dòng nước chảy xiết do lòng sông dốc, bạn có thể cảm thấy mất tự chủ, như thế là bạn đang bị đẩy xuôi dòng. Nếu con đường thẳng này không có xe cộ qua lại thường xuyên, nó giống như một dòng sông lười nhác – yên tĩnh, thanh bình, hài hòa.
  2. Phố cụt: Ngôi nhà nằm ở vị trí này tiếp nhận mũi tên độc lao vào cửa trước, đây là vị trí xấu nhất. Sống trong căn hộ hay làm việc trong căn phòng nằm ở cuối hành lang dài cũng không tốt.
  3. Ngã ba chữ T: Mũi tên độc lại một lần nữa đâm vào nhà. Giống như một đầu máy chạy lồng lên, nó sẽ chỉ dừng khi va đụng và sức phá hủy của cú va chạm này bao trùm ngôi nhà. Nếu bạn sống ở ngã ba chữ T hay chữ Y (vị trí số 5 trong hình minh họa trên) bạn có thể làm gì để tránh ảnh hưởng của mũi tên độc? Hãy dựng tường rào cao hay trồng rặng cây để cản đường phá hủy của khí mũi tên độc. Tuy nhiên, tốt nhất là tránh những vị trí đòi hỏi phải làm những việc như thế.
  4. Lô đất ở góc phố: Bạn có thể cảm thấy không cân bằng khi sống trên lô đất ở góc phố. Đó là vì một bên bảo vệ nhà bạn bị đường phố ngăn cách. Ngoài ra, giao thông, tiếng ồn và đèn pha chói lọi cũng là điều phải tính đến. Trong phong thủy, ngôi nhà ở góc phố hay ở cuối ngõ được xem là không tốt bởi vì tại vị trí đó khí bị tán mất. Ngoài ra, sự hỗ trợ cho ngôi nhà cũng bị mất cân bằng bởi con phố ngăn cách sự bảo vệ của hổ và rồng.
  5. Ngã ba chữ Y: Giống như dạng phố cụt và ngã ba chữ T, ngôi nhà nằm ở ngã ba chữ Y phải chịu hai luồn khí không tốt. Hơn nữa, hình dạng này là lý do giải thích cho những vụ tai nạn do ô tô thường chệnh choạng lao vào nhà bạn.
  6. Ngõ cụt có chỗ quay đầu: Không giống như phố cụt miêu tả nhà ở vị trí số 2 trong hình minh họa, ngôi nhà nằm ở ngõ cụt có chỗ quay đầu lại đem đến may mắn. Tại sao vậy? Nếu bạn hình dung con phố như một dòng sông, thì chỗ quay đầu trong trường hợp này là hình thế Chu Tước – khu đệm giúp xua tan ảnh hưởng xấu của sát khí. Ngõ cụt không có chỗ quay đầu thì sao? Vị trí này cũng tốt bởi vì khí có thể lưu chuyển theo đường vòng tròn và khuếch tán năng lượng tốt.
  7. Hình chữ U: Hiển nhiên là bạn cảm thấy ngột ngạt khi sống ở ngôi nhà nằm trong nút thòng lọng này tuy không tiêu biểu cho dạng đường ở thành phố nhưng tránh mua nhà ở nông thôn hay miền núi có kiểu hình dạng này.
  8. Đoạn cua gấp: Điều khiển xe vòng đoạn cua gấp đồi hỏi phải rất khéo léo. Tiếng rít của phanh xe và ánh sáng chói lòa của đèn pha làm tăng thêm sự lo lắng. Liệu bạn có muốn sống trên con phố dễ gặp nguy hiểm như thế không?
  9. Đường ngoằn ngoèo: Nằm trong điểm lõm của hình chữ U, bạn được bảo vệ trước mối đe dọa của tai nạn, ánh sáng chói lọi và mũi tên độc. Ngôi nhà nằm ở vị trí này được xem là đem lại may mắn – khí lành lưu luyến theo đường xoắn ốc mang lại sự thịnh vượng, thăng tiến và sức khỏe.

Mặc dù không được minh họa ở đây nhưng sống bằng hoặc thấp hơn mặt đường là không tốt. Sống giữa hai đường song song cũng thế. Vậy những địa điểm nào là tốt nhất? Thường là đường ngoằn ngoèo (9), tiếp theo là ngõ cụt có chỗ quay đầu (6) và đường thẳng (1) không có xe cộ qua lại thường xuyên. Hãy nhớ, khi xem xét địa thế nhà bạn thì đường đi và dòng sông tương đương nhau.

Nội dung chính cần ghi nhớ của bài viết này

Nền tảng của trường phái phong thủy Hình Thế bắt nguồn từ vũ trụ học cổ.

Trong phong thủy, địa thế được quy thành hình thế Chu Tước, Thanh Long, Huyền Vũ và Bạch Hổ.

Tòa nhà, cây cối và hàng rào, tường cũng có thể tượng trưng cho tứ linh.

Sông và đường đi được đánh giá như nhau.

Hình dạng dòng sông và đường đi có thể mang lại sự may mắn hoặc bất hạnh cho nhà bạn.

Lưu Dược Sư

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *