Vạn lý trường thành của tri thức và sự trỗi dậy của phong thủy

Trong bài viết này chúng ta sẽ tìm hiểu về:

  • Các phát minh của người Trung Quốc.
  • Tự nhiên ảnh hưởng đến khoa học và triết học như thế nào?
  • Sự phát triển của phong thủy.
  • Trường phái Hình thế và trường phái La bàn: Hai trường phái phong thủy cổ điển.

Món bánh bao, Vạn lý trường thành, võ thuật, cách mạng văn hóa, tranh sơn thủy, mạt chược, Tử cấm thành, đồng lúa, xe kéo, Mao Chủ Tịch, Con đường tơ lụa, Bắc Kinh, tượng các chiến binh bằng đất nung, Khổng Tử, thuật châm cứu, Đạo giáo,… Cái gì xuất hiện trong đầu khi bạn nghĩ về Trung Quốc?

Chắc chắn Trung Quốc là một nền văn hóa cổ với nhiều truyền thống lâu đời, chủ nghĩa tượng trưng bằng màu sắc và các chế độ cai trị mê hoặc chúng ta. Tuy nhiên, bạn có biết là trong 2000 năm (từ khoảng năm 500 trước công nguyên đến năm 1500 sau công nguyên), những bước tiến khoa học và công nghệ của quốc gia phương Đông này đã vượt qua bất cứ thứ gì được tạo ra ở phương Tây không?

Người Trung Quốc luôn tin vào tính thống nhất của vạn vật. Việc thực hành phong thủy xuất phát từ lòng sùng kính tự nhiên của người Trung Quốc. Người Trung Quốc tin rằng nếu họ có thể cân bằng các khí lực thiên nhiên trong cuộc sống của mình thì sẽ có được điều kiện sống hài hòa hơn. Giả định đó là đúng. Trong chương này, bạn sẽ biết được người Trung Quốc đã phát triển quá trình tư duy dựa một phần vào hiểu biết trực giác như thế nào và họ đã tìm thấy các chân lý toán học từ thiên nhiên ra sao.

Sản xuất tại Trung Quốc (Made in China)

Một sử hiểu lầm phổ biến của người phương Tây là cho rằng người Trung Quốc thiếu bí quyết khoa học và công nghệ. Nhãn mác “Made in China” dán dưới mỗi đồ rẻ tiền có mặt khắp nơi rất có thể đã làm tăng thêm sự hiểu lầm này. Nhưng thực tế là chúng ta phải cảm ơn người Trung Quốc vì họ đã phát minh ra nhiều thứ giúp cải thiện và khiến cho cuộc sống của chúng ta trở nên thú vị hơn. Xe cút kít, ô, yên cương, bàn đạp ngựa, môn chơi cờ, tiền giấy, cần câu, diêm và diều – tất cả đều là sản phẩm của trí thông minh của người Trung Quốc. Ngoài ra, người Trung Quốc đã tạo ra địa chấn kế và nhà mô hình vũ trụ đầu tiên. Họ đã tạo ra cánh buồm di động, bánh lái và vách ngăn. Đúc thép và nuôi tằm cũng bắt nguồn từ Trung Quốc.

Nhưng rõ ràng nhất là bốn phát minh quan trọng nhất của Trung Quốc đó là: giấy, kỹ thuật in, thuốc súng và la bàn. La bàn là công cụ của người thực hành phong thủy. Bạn sẽ biết nhiều hơn về La bàn qua các bài viết tại chuyên mục này.

Đại tự nhiên của Trung Quốc

Người Trung Quốc rất coi trọng cái mà họ gọi là “Đại tự nhiên” (Greater Nature). Các sức mạnh của tự nhiên truyền cho họ cảm hứng và cả cảm giác kính sợ, khúm núm nữa. Tự nhiên là đề tài ưa thích của các thợ thủ công. Tự nhiên còn tạo ra các khoa học trái đất như địa chất học, bản đồ học và hóa học. Người Trung Quốc cho rằng họ là sản phẩm của các sức mạnh tự nhiên. Họ tin rằng các sức mạnh này quyết định số phận của mình. Với nông dân, gió nhẹ báo hiệu vụ mùa bội thu, thịnh vượng và sức khoẻ tốt. Ngược lại, gió mạnh, lũ lụt và hạn hán là dấu hiệu của sự tàn phán, tai họa và bệnh tật.

Các hiện tượng thiên nhiên cũng có ý nghĩa quan trọng đối với vua chúa. Từ thời nhà Thương (1600-1045 trước công nguyên), các ông vua này đã thay mặt vương quốc thỉnh cầu Thượng đế (vị thần tối cao cai trị các vị thần và linh hồn người chết). Nếu Thượng đế chấp thuận sự lãnh đạo của họ, ngài sẽ ban cho vương quốc thời tiết thuận lợi, nhờ thế đảm bảo được vị thế của nhà vua, ngài phạt nhà vua bằng cách gây ra thời tiết xấu và bệnh tật. Những điều kiện khắc nghiệt như vậy được xem là điềm xấu, chính là lời ban truyền từ trên trời xuống rằng vị vua đó phải chỉnh sửa cách cư xử tồi tệ của mình.

Có thể thuê người quan sát bầu trời

Khi Marco Polo đến Trung Quốc vào năm 1275 sau công nguyên, ông đã tả lại rằng Bắc Kinh là một thành phố có 5000 người làm công việc quan sát bầu trời thuê. Rất có thể là ông đã đúng. Một số người quan sát bầu trời đó là các nhà chiêm tinh, một số là nhà thiên văn học. Họ làm ăn rất phát đạt bằng việc giải thích và hé lộ các bí mật của thiên nhiên.

Sự kiện phong thủy

Trong cuốn sách Did Marco Polo Go to China? (Marco Polo có đến Trung Quốc không?) tác giả Frances Wood nói rằng Polo không đến Trung Quốc. Điều này giống như một cú sốc đối với những người phương Tây cho rằng Polo đã phát hiện ra Trung Quốc. Mặc dù Wood đưa ra ví dụ hết sức thuyết phục nhưng bà không thể chứng minh một cách rõ ràng khẳng định của mình. Nếu Polo đến Trung Quốc vào năm 1275 thì tại sao không có tài liệu về sự cai trị của ông ở huyện Dương Sóc hay là mối quan hệ dài 17 năm của ông với vị vua Mông Cổ Hốt Tất Liệt? Trong bài nói chuyện Divisament dou Monde (Miêu tả thế giới) của Polo năm 1299, tại sao ông không đề cập đến những nét riêng của người Trung Quốc chẳng hạn như đũa ăn, uống trà và Vạn lý trường thành? Wood lập luận rằng Polo có thể đã lấy các chi tiết từ các sách hướng dẫn du lịch Trung Quốc của người Ba Tư và Ả Rập trong nhà ông, rằng Polo không bao giờ dám liều đi ra xa những điểm kinh doanh của gia đình ở vùng Biển Đen và cảng Constantinople.

Thuật chiêm tinh

Các nhà chiêm tinh phân tích các chu kỳ của thời gian. Họ nghiên cứu vị trí và chuyển động của mặt trời, mặt trăng, các ngôi sao và các hành tinh trong mối quan hệ với tính cách con người và các sự kiện xảy ra trên trái đất. Dựa vào vị trí của các thiên thể tại một thời điểm nhất định nào đó, các nhà chiêm tinh có thể nói cho bạn biết về số phận của bạn. Ở Trung Quốc, triều đình dựa vào các nhà chiêm tinh thông thái để xác định các thời điểm tốt và xấu nhất để làm hầu hết mọi việc bao gồm việc ký văn tự, dựng nhà, đi xa, xuất binh và hôn nhân.

Chiêm tinh học được xem là một nghệ thuật bởi các lời tiên tri đều dựa trên các giả định. Mặc dù nhà chiêm tinh có thể dự đoán số phận của bạn nhưng những kết luận đó không thể được chứng minh một cách khoa học. Chiêm tinh học đòi hỏi bạn phải tin vào vận mệnh đã được định trước. Không thể nói là số phận thay thế ý chí của con người. Những tính toán chiêm tinh học chỉ có thể báo trước cho chúng ta các khả năng có thể xảy ra. Nhà chiêm tinh nói được chính xác các khả năng thì được quý trọng và được trả công hậu hĩnh. Nhà chiêm tinh bị xác nhận là nói sai thì không may mắn như vậy, họ có thể bị đi đày hoặc bị tử hình.

Phong thủy một phần bắt nguồn từ các quan sát của thuật chiêm tinh. Nếu phong thủy nghiên cứu số phận của một ngôi nhà, tổng hợp vận may của trời (thời gian) và đất (không gian) thì các phương pháp chiêm tinh khác của Trung Quốc như dự đoán vận mệnh theo Tứ Trụ (Tử Bình Bát Tự) và Tử vi đẩu số lại tập trung vào tính cách bẩm sinh của một người.

Lời khuyên của đại sư phong thủy

Hàng loạt phương pháp bói toán đã được sử dụng ở Trung Quốc. Ngoài chiêm tinh học, người Trung Quốc còn có Chronomancy (tính ngày tốt và ngày xấu theo lịch và các sao), bói mộng (bói toán dựa vào giấc mơ), xem tướng mặt, tướng tay, Scapulimancy và Plastromancy (bói toán dựa vào việc đốt nóng và luận giải các vết nứt trên xương ức, xương bả vai của động vật và yếm rùa hay mai rùa), và bói thẻ (bói toán bằng cách rút thẻ). Phương pháp cuối cùng có ý nghĩa đặc biệt đối với việc hình thành Kinh Dịch – một cuốn sách bói toán do Văn Vương và con trai là Chu Công viết cách đây 3000 năm,

Khoa học thiên văn

Thiên văn học dựa trên thông tin thực có được từ các nghiên cứu vũ trụ. Các nhà thiên văn Trung Hoa đã đáp ứng nhu cầu thực tế của xã hội. Họ đã xây dựng lịch vạn niên và lịch hàng năm. Do nông dân Trung Quốc sản xuất lương thực cho mọi giai tầng xã hội nên đối với họ, biết được thời điểm tốt nhất để gieo trồng và thu hoạch mùa màng là rất quan trọng. Theo những dấu vết tìm thấy trên một mảnh xương cách đây khoảng 3500 năm thì có thể thấy các nhà thiên văn Trung Quốc hiểu rằng một năm dài 365 1/4 ngày, một con số thống kê giống với cách tính chính xác ngày nay đó là con số 365,24219 ngày.

Với sự hỗ trợ của các dụng cụ thiên văn, người Trung Quốc còn quan sát và ghi lại được nhiều sự kiện thiên văn:

  • Họ bắt đầu biết đến nguyệt thực vào năm 1362 trước công nguyên và nhật thực vào năm 1217 trước công nguyên.
  • Năm 1300 trước công nguyên họ ghi lại được hiện tượng một ngôi sao mới xuất hiện ở khu vực mà ngày nay gọi là Antares.
  • Họ nhìn thấy sao chổi Haley vào năm 467 trước công nguyên.
  • Họ đã lập tài liệu về một siêu sao mới xuất hiện vào năm 1054 sau công nguyên. Quan sát chính xác của họ cho phép các nhà thiên văn hiện đại chứng minh rằng đó chính là chòm tinh vân Con Cua.

Đến năm 400 trước công nguyên, các nhà thiên văn học Trung Quốc đã ghi lại được 1464 ngôi sao và phân chia các ngôi sao đó thành 28 chòm sao của vòng Hoàng đạo.

Khổng giáo và Đạo giáo

Khởi đầu vào thế kỷ 6 trước công nguyên và thế kỷ 4 trước công nguyên, Khổng giáo và Đạo giáo là hai trường phái triết học chính có ảnh hưởng rất lớn ở Trung Quốc.

Khổng giáo dựa trên các bài giảng của Khổng Tử (551 – 479 trước công nguyên) là hệ thống đạo đức học nhằm trau dồi đức hạnh và các giá trị xã hội của con người. Khổng giáo đề cập đến các vấn đề thực tế và trần tục. Mối quan tâm chính của Khổng Tử là thái độ hành xử đúng mực và sự hòa hợp trong xã hội. Ông chú trọng đến học vấn và giáo dục dựa trên lý trí. Về sau, sự vâng lời cha mẹ trở thành một trong những đức hạnh quan trọng nhất của Khổng giáo. Triết lý này có ảnh hưởng tới mức được đưa vào giảng dạy trong các trường học ở Trung Quốc từ thời nhà Hán năm 206 trước công nguyên cho tới khi nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa được thành lập năm 1949.

Trái với Khổng giáo, Đạo giáo đề cập đến tư duy trực giác và các vấn đề siêu hình. Con người có thể có được kiến thức trực giác hay kiến thức thật sự bằng cách gần gũi với thiên nhiên và đồng nhất với Đạo (người phương Tây gọi là Chúa, Biển ý thức hay Đấng tối cao). Hiểu Đạo có nghĩa là thừa nhận tính thống nhất cố hữu của vạn vật và sống sao cho phù hợp với vạn vật. Điều này có nghĩa là tin vào trực giác, bản năng, giác quan thứ sáu của bạn. Con người có thể trau dồi tính chất duy linh và phát triển dạng tính cách này bằng cách theo Đạo.

Người ta tranh luận rất nhiều về việc ai sáng lập ra Đạo giáo. Mặc dù nhiều người nhất quyết giữ quan điểm cho rằng Lão Tử lập ra trường phái này, nhưng nhiều nhà bác học đương đại lại không đồng ý. Trên thực tế, họ xác nhận Lão Tử – người mà học giả Richard Wilhelm gọi là nhân vật mờ ảo – không phải là một cá nhân mà là một nhóm những người có cùng tư tưởng, sống và dạy học trong khoảng thế kỷ IV đến thế kỷ II trước công nguyên.

Điều này quả thật là rắc rối. Đạo đức kinh, tác phẩm nổi tiếng của Lão Tử nói về cái gì? Làm sao mà nhân vật huyền thoại này lại được gắn với cuốn sách – đó là một điều bí ẩn (và không phải là mối quan tâm của chúng ta ở đây). Tuy nhiên, chúng ta biết rằng Đạo đức kinh thực sự được viết vào thời Chiến quốc (403 – 221 trước công nguyên), ít nhất là 200 năm sau khi nguồn gốc tác giả của cuốn sách được nói rõ. Chúng ta biết được điều này bởi vì cuốn sách được nhiều người ở thời đại đó bình luận và phê bình. Hơn nữa, Đạo đức kinh và Trang Tử, một tác phẩm vĩ đại khác của Đạo giáo do Trang Tử viết trước khi Đạo giáo ra đời, xuất hiện vào thời nhà Hán (206 trước công nguyên – 220 sau công nguyên).

Thuật ngữ quan trọng

Khổng giáo, dựa trên lời dạy của Khổng Tử vào thế kỷ 6 trước công nguyên là hệ thống nguyên tắc xử thế nhằm trau dồi và tu dưỡng đạo đức.

Đạo giáo đề cập đến sự nhận biết trực giác, có được bằng cách gần gũi với thiên nhiên và hợp nhất với Đạo. Đạo giáo được sáng lập bởi một nhóm những người có chung chí hướng, sống và dạy học trong khoảng thời gian từ thế kỷ 4 đến thế kỷ 2 trước công nguyên.

Kinh nghiệm so với thử nghiệm

Đối với những người theo Đạo giáo, suy nghĩ và thử nghiệm duy lý (những dấu hiệu của lối tư duy phương Tây) là những phương pháp tìm hiểu chân lý của tự nhiên hoàn toàn không xác đáng. Tri thức đích thực vượt ra ngoài nhận thức trực giác, nó chỉ có thể được cảm nhận trong trạng thái thiền định (trầm tư mặc tưởng). Người theo Đạo giáo trấn tĩnh tâm trí để chân lý của thiên nhiên nhập vào cơ thể nhờ một sức mạnh siêu nhiên.

Người theo Đạo giáo cho rằng bạn không thể lĩnh hội Đạo – một khái niệm không thể gọi tên (bất khả danh) và không thể định nghĩa được bằng ngôn từ. Ngôn từ là hữu hạn, tự nhiên là vô hạn. Ngôn từ hạn chế và là rào cản giữa bản thân ta và vũ trụ của chân lý. Đó là lý do tại sao người theo Đạo giáo và các đạo sĩ phương Đông lại diễn đạt những lời dạy của họ dưới dạng cách ngôn (những tuyên bố ngắn gọn, súc tích về một nguyên tắc hay chân lý), “thoại đầu” (những tuyên bố có tính chất nghịch lý để suy niệm và đạt đến trạng thái giác ngộ), hay những minh họa. Những câu thơ ngắn gọn này thường không nhất quán với thông tin dựa trên lý trí.

Trích dẫn đáng chú ý:

Không ra khỏi cửa

Mà biết được cái lý trong thiên hạ

Không dòm ra ngoài cửa sổ

Mà biết được đạo trời

Càng đi xa, càng biết được ít

Cho nên thánh nhân không đi mà biết

Không nhìn thấy mà rõ

Không làm mà nên.

– Trích đoạn Đạo đức kinh.

Nghịch đảo là quy luật vận hành của Đạo

Vật gì đã đến cực điểm cho dù là trong tự nhiên hay thế giới con người thì đều quay ngược trở lại cực điểm khác. Đây là tư tưởng chủ đạo của cả Đạo giáo và Khổng giáo. Điều đó có nghĩa là mọi vật đều có tính tuần hoàn, đều nằm trong một chu kỳ liên tục: sinh – trưởng – suy – tử (sinh ra – phát triển – suy vong – chết). Mọi vật đều biến hóa và thay đổi không ngừng, có mối liên quan tương hỗ và kết nối với nhau. Hết mùa đông thì đến mùa xuân và sự hồi sinh. Hết đêm thì đến ngày. Hết chiến tranh thì đến hòa bình. Qua thất vọng rồi đến hy vọng…

Để đạt được bất cứ điều gì, quy tắc chung là phải chấp nhận mặt trái của nó. Bạn không cần cảm nhận điều đó một cách chính xác theo nghĩa đen. Lưu ý và tôn trọng khả năng của nó sẽ giúp bạn nhận thức được sự thay đổi bất ngờ của vận mệnh. Ví dụ, bằng lòng và khiêm tốn bảo đảm cho khả năng những cái đối lập với nó không xảy ra. Nếu bạn giàu có, hãy thừa nhận khả năng bạn có thể mất đi của cải. Quan niệm này ảnh hưởng lớn đến người Trung Quốc cho tới ngày nay. Tất cả đều nói về sự cân bằng và hài hòa.

Sự phân cực của hai mặt đối lập này được gọi là thuyết âm dương. Đó là một nguyên tắc cơ bản của phong thủy.

Sự thay đổi nằm trong gió

Nói chung, triết lý của Kinh Dịch là nỗ lực đầu tiên của người Trung Quốc nhằm hình thành hệ tri thức xoay quanh tác động qua lại của hai mặt đối lập (âm và dương). Kinh Dịch có vẻ như đơn giản nhưng thực ra là một lý thuyết phức tạp để tìm hiểu các dạng thức thay đổi trong vũ trụ. Kinh Dịch có thể cho bạn biết về hiện tại và triển vọng tương lai, vốn biểu hiện qua những thay đổi về thái độ, hành động và hoạt động của bạn. Nói cách khác, Kinh Dịch gợi ý sự thay đổi thích hợp để đạt được kết quả mong muốn.

Những hình mẫu của sự thay đổi này được ghi lại một cách tượng trưng dưới dạng các nét liền (dương) và nét đứt (âm) gọi là quái và quẻ. Mặc dù chúng ta không quan tâm đến 64 quẻ (bộ 6 vạch liền nét và đứt nét xếp chồng lên nhau) tạo nên Kinh Dịch nhưng Bát Quái (bộ 3 vạch liền nét và đứt nét xếp chồng lên nhau) là phần chủ yếu trong thực hành phong thủy cổ điển. Một cách đơn giản, Bát Quái tượng trưng cho các thời kỳ quá độ của tất cả trạng thái của con người và thiên nhiên.

Các hình mẫu thay đổi

Bạn có thể biết rằng biểu tượng của quái và quẻ không phải là một phần của Chu Dịch. Vào những năm 1970, Đinh Trương Lượng – một học giả người Trung Quốc ở Viện hàn lâm Khoa học xã hội Bắc Kinh đã phát hiện ra rằng các biểu tượng này được ghi lại dưới dạng các con số. Phát hiện này có được sau khi xem xét các dấu vết trên mảnh xương có khắc lời sấm và những vật chứa đồ hiến tế bằng đồng có niên đại 1500 – 1000 trước công nguyên (cuối nhà Thương, đầu nhà Chu). Phát hiện của ông chứng tỏ rằng ngay từ đầu, Kinh Dịch đã dựa trên phép bói toán bằng các con số. Người Trung Quốc tin rằng tổ tiên của họ ở trên trời dùng các con số để nói chuyện với họ. Nói cách khác, họ cho rằng người chết điều khiển thân cây cỏ thi – công cụ dùng để giao quẻ rồi từ đó mà đoán quẻ. Qua thời gian, việc sưu tầm và xem xét những ghi chép bói toán này đã sản sinh ra một văn bản ghép câu hỏi với câu trả lời và câu trả lời với kết quả thông qua các con số.

Nhưng mặc dù người Trung Quốc tin rằng tổ tiên của họ có trách nhiệm đem lại sự thông thái và rõ ràng bạn vẫn có thể tin câu trả lời có nguồn gốc từ lĩnh vực tri thức thuần tuý mang tính chính thể luận, một chính thể có thể phân tích được về mặt toán học.

Lưu Dược Sư

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *