Vương Khẳng Đường bàn luận về nguồn gốc cát – hung của các sao trong Bát Trạch

Từ Thái Cực chia ra thành Âm Dương:

  • Trong Dương lại có Âm và Dương: Âm trong Dương được gọi là Thiếu Âm, Dương chứa Âm được gọi là Thái Dương.
  • Trong Âm cũng có Dương và Âm, Âm chứa Dương gọi là Thái Âm, Dương trong âm gọi là Thiếu Dương.
  • Trong Thái Dương lại có dương là Càn, âm là Đoài.
  • Trong Thiếu Âm lại có dương là Chấn, âm là Ly.
  • Trong thiếu dương lại có dương là Khảm, âm là Tốn.
  • Trong Thái Âm lại có dương là Cấn, âm là Khôn.

Tiên Thiên Bát Quái:

Càn Chấn Khảm Cấn Đoài Ly Tốn Khôn
cha trưởng nam trung nam thiếu nam thiếu nữ trung nữ trưởng nữ mẹ

Sơ đồ bố cục Tiên Thiên Bát Quái

8 7 6 5 4 3 2 1
Khôn Cấn Khảm Tốn Chấn Ly Đoài Càn
Thái Âm Thiếu Dương Thiếu Âm Thái Dương
Âm Dương
Thái Cực

Giải thích:

Bảng trên là sơ đồ phân chia Âm Dương của Tiên Thiên Bát Quái: Thái Cực tách đôi thành hai cực Âm Dương, trong đó:

  • Cực Dương lại chia làm Thái Dương và Thiếu Âm, Thái Dương là chủ chứa đựng Thiếu Âm.
  • Cực Âm lại chia làm Thái Âm và Thiếu Dương trong đó Thái Âm là chủ, chứa đựng Thiếu Dương.

Bốn nghi này lại tiếp tục chia đôi:

  • Thái Dương chia làm Càn 1 dương, Đoài 2 âm, âm dương tương sinh.
  • Thiếu âm chia làm Ly 3 âm, Chấn 4 dương, âm dương tương sinh.
  • Thiếu Dương chia làm Tốn 5 âm, Khảm 6 dương, âm dương tương sinh.
  • Thái Âm chia làm Cấn 7 dương, Khôn 8 âm cũng là âm dương tương sinh.

Hậu Thiên Bát Quái:

  • Vì đạo của Dương là đạo biến hóa nên số của Dương lấy tiến làm cùng cực bởi đó Càn cha được số 9, Chấn trưởng nam được số 8, Khảm trung nam được số 7, Cấn thiếu nam được số 6.
  • Đạo của Âm là đạo hóa thành nên số dương lấy lùi làm cùng cực vậy nên Khôn mẹ được số 1, Tốn trưởng nữ được số 2, Ly trung nữ được số 3, Đoài thiếu nữ được số 4.

Đó là những số tự nhiên trong Hà Đồ Lạc Thư mà không tách rời khỏi số 5. Bởi vậy hợp của Tiên Thiên Bát Quái là Sinh Khí, hợp của Hậu Thiên Bát Quái là Diên Niên, số hợp của 5 là Thiên Y, Càn 9 với Cấn 6, Khảm 7 với Chấn 8, Khôn 1 với Đoài 4, Tốn 2 với Ly 3. Dương được 15 mà Âm được 5 nên đều là hợp số của 5.

Không hợp đều là hung

Càn với Ly, Đoài với Chấn, Khôn với Khảm, Cấn với Tốn đều lấy âm khắc dương là cực hung nên là Tuyệt Mệnh.

Càn với Chấn, Tốn với Khôn, Khảm với Cấn, Đoài với Ly đều lấy dương khắc âm là thứ hung tức là Ngũ Quỷ.

Càn với Khảm, Cấn với Chấn, Tốn với Đoài, Khôn với Ly là lục thân tương hình (Lục thân: Chỉ các quan hệ huyết thống thân thuộc của con người như cha mẹ, anh em, vợ con) nên là Lục Sát.

Càn với Tốn, Khảm với Đoài, Cấn với Ly, Khôn với Chấn là Kim, Mộc, Thổ tương khắc mà Tý Dậu, Sửu Ngọ tương phá nên là Họa Hại.

Nói tóm lại, hoà hợp sẽ cát, không hợp sẽ tương khắc sẽ hung. Dựa vào đó để phân chia thành Đông Tứ TrạchTây Tứ Trạch, mà các sao phân bố mỗi trạch mỗi khác.

Vạch quẻ thì vạch dưới lên trên, biến quẻ thì biến từ trên xuống dưới.

Bởi vậy biến 1 thì:

  • Càn được Đoài mà Đoài được Càn,
  • Ly được Chấn mà Chấn được Ly,
  • Tốn được Khảm mà Khảm được Tốn,
  • Cấn được Khôn mà Khôn được Cấn bởi vậy là Sinh Khí.

Biến 2 thi:

  • Càn được Chấn mà Chấn được Càn,
  • Khảm được Cấn mà Cấn được Khảm,
  • Tốn được Khôn mà Khôn được Tốn,
  • Đoài được Ly mà Ly được Đoài vậy nên là Ngũ Quỷ.

Biến 3 thì:

  • Càn được Khôn mà Khôn được Càn,
  • Khảm được Ly mà Ly được Khảm,
  • Chấn được Tốn mà Tốn được Chấn,
  • Cấn được Đoài mà Đoài được Cấn vậy nên là Diên Niên.

Biến 4 thì:

  • Càn được Khảm mà Khảm được Càn,
  • Cấn được Chấn mà Chấn được Cấn,
  • Tốn được Đoài mà Đoài được Tốn,
  • Ly được Khôn mà Khôn được Ly vậy nên là Lục Sát.

Biến 5 thì:

  • Càn được Tốn mà Tốn được Càn,
  • Khảm được Đoài mà Đoài được Khảm,
  • Cấn được Ly mà Ly được Cấn,
  • Chấn được Khôn mà Khôn được Chấn vậy nên là Họa Hại.

Biến 6 thì:

  • Càn được Cấn mà Cấn được Càn,
  • Khảm được Chấn mà Chấn được Khảm,
  • Tốn được Ly mà Ly được Tốn,
  • Khôn được Đoài mà Đoài được Khôn vậy nên là Tuyệt Mệnh.

Bài ca quyết ” Du Niên Ca” mà người đời truyền tụng thực chất được bắt nguồn từ đây để tổng kết, khái quát lại. Các nhà địa lý tướng mệnh ngày nay chỉ biết vận dụng mà truyền miệng, không truy cứu về nguồn gốc của nó bởi vậy mà cát hung trở nên không có căn cứ.

Giải thích:

Bài văn trên trình bày về nguyên lý cơ bản hình thành nên tính chất cát hung của các sao trong Cửu Tinh.

Tiên Thiên Bát Quái được chia thành 2 cực Âm và Dương.

  • Trong cực Dương thì Càn và Chấn là dương, Đoài và Ly là âm.
  • Trong cực Âm thì Khôn và Tốn là âm, Khảm và Cấn là dương.

Càn hợp với Đoài, Chấn hợp với Ly, Khảm hợp với Tốn, Khôn hợp với Cấn là tương sinh, đó là nguồn gốc của Sinh Khí trong Cửu Tinh. Bởi vậy bài văn trên viết “hợp của Tiên Thiên là Sinh Khí”.

Trong Hậu Thiên Bát Quái:

Càn tượng cha, Khôn là tượng mẹ, Chấn là tượng trưởng nam, Tốn là tượng trưởng nữ, Khảm là tượng trung nam, Ly là tượng trung nữ, Cấn là tượng thiếu nam, Đoài là tượng thiếu nữ. Theo như phần đầu bài văn thì các số của quẻ là như sau: Càn 9, Chấn 8, Khảm 7, Cấn 6, Đoài 4, Ly 3, Tốn 2, Khôn 1. Bởi vậy, Cần 9 với Khôn 1, Chấn 8 với Tốn 2, Khảm 7 với Ly 3, Cấn 6 với Đoài 4 đều có tổng số là 10, các nhà tướng mệnh gọi đó là “hợp thập”, từng cặp hợp với nhau thành số 10 là cát lợi. Đây là nguồn gốc của Diên Niên trong Cửu Tinh. Bởi vậy bài văn trên viết “hợp của Hậu Thiên là Diên Niên”.

Càn 9 với Cấn 6, Khảm 7 với Chấn 8, Khôn 1 với Đoài 4, Tốn 2 với Ly 3, số tổng của hai cặp đôi quẻ dương Càn – Cấn, Khảm – Chấn đều là 15, số tổng của hai cặp đôi quẻ âm Khôn – Đoài, Tốn – Ly đều là 5 nên bài viết nói “dương được 15 mà âm được 5”, tướng mệnh học gọi đây là “số hợp của 5”. Đó là nguồn gốc của Thiên Y trong Cửu Tinh. Những trường hợp “hợp” như trên là cát còn không hợp đều hung.

Càn 9 với Ly 3, Đoài 4 với chấn 8, Khôn 1 với Khảm 7, Cấn 6 với Tốn 2, bốn tổ hợp này đều là âm khác dương nên chủ về hung, đó là nguồn gốc của Tuyệt Mệnh trong Cửu Tinh.

Càn 9 với Chấn 8, Tốn 2 với Khôn 1, Khảm 7 với Cấn 6, Đoài 4 với Ly 3, bốn tổ hợp này đều là dương khắc âm nên chủ về hung nhưng nhẹ hơn so với Tuyệt Mệnh, đó là nguồn gốc của Ngũ Quỷ trong Cửu Tinh.

Càn 9 với Khảm 7, Cấn 6 với Chấn 8, Tốn 2 với Đoài 4, Khôn 1 với Ly 3 đều là âm kết hợp với âm, dương kết hợp với dương nên là lục thân tương hình là Lục Sát.

Càn 9 với Tốn 2, Khảm 7 với Đoài 4, Cấn 6 với Ly 3, Khôn 1 với Chấn 8 bốn tổ hợp này là ngũ hành tương khắc, Tý Dậu, Sửu Ngọ tương phá là nguồn gốc của Họa Hại trong Cửu Tinh.

Bởi vậy, quy luật chung của chúng là hợp thì cát, không hợp thì hung. Đó là nguồn gốc cát hung của Cửu Tinh xét từ góc độ tương sinh tương khắc. Ngoài ra, cũng có thể truy nguyên nguồn gốc của chúng từ sự biến hóa của các quẻ trong Bát Quái. Như trong bài văn đã viết, nguyên tắc biến quẻ là biến từ trên xuống dưới. Ta có các tượng của các quẻ như sau:

biến thứ nhất

Biến thứ nhất: Biến hào trên cùng, hào dương biến thành hào âm và ngược lại. Như vậy, Càn biến thành Đoài, Đoài biến thành Càn, Khảm biến thành Tốn, Tốn biến thành Khảm, Cấn biến thành Khôn, Khôn biến thành Cấn, Chấn biến thành Ly, Ly biến thành Chấn. Bởi vậy, các cặp đôi Càn – Đoài, Khảm – Tốn, Khôn – Cấn, Chấn – Ly là nguồn gốc của Sinh Khí.

Biến thứ hai: Biến hai hào trên, hào dương biến thành hào âm và ngược lại. Vậy ta có Càn biến thành Chấn, Chấn biến thành Càn, Khảm biến thành Cấn, Cấn biến thành Khảm, Khôn biến thành Tốn, Tốn biến thành Khôn, Ly biến thành Đoài, Đoài biến thành Ly. Bởi vậy các cặp đôi kết hợp Càn – Chấn, Khảm – Cấn, Khôn – Tốn, Ly – Đoài là nguồn gốc của Ngũ Quỷ.

Tương tự như thế, bài văn tiếp tục liệt kê ra bốn phương thức biến quẻ nữa để giải thích cho nguồn gốc cát hung của các sao đó là:

  • Biến thứ ba: Biến cả ba hào hình thành nên Diên Niên,
  • Biến thứ tư: Biến hào đầu vào hào dưới hình thành nên Lục Sát,
  • Biến thứ năm: biến hào dưới hình thành nên Họa Hại,
  • Biến thứ sáu: biến hai hào dưới hình thành nên Tuyệt Mệnh.

Lưu Dược Sư

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *